Ngày 30-9, nguồn tin của PLO cho biết Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Cần Thơ (thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV) vừa lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đối với bến tàu khách và du lịch Cần Thơ.
Theo đó, bến tàu khách và du lịch Cần Thơ vi phạm khai thác bến tàu quá thời hạn cho phép. Cụ thể, theo giấy phép hoạt động của bến này do Sở GTVT TP Cần Thơ cấp, bến đã hết thời gian hoạt động kể từ ngày 17-7.
Bến tàu khách và du lịch Cần Thơ tạm ngưng hoạt động khiến các phương tiện thủy và hành khách gặp nhiều khó khăn. Ảnh: CHÂU ANH
Bỗng dưng thành phương tiện “chui”
Lý giải với cơ quan chức năng, đơn vị khai thác bến thừa nhận giấy phép hoạt động bến đã hết hạn và chưa được cấp mới. Nguyên nhân chưa được cấp mới là do ponton sử dụng tại bến không có giấy đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Đáng nói, thống kê từ năm 2016 đến nay, bến này đã nhiều lần hết hạn phải tạm dừng hoạt động, sau đó hoạt động lại. Điệp khúc này diễn ra rất nhiều lần gây khó khăn cho chủ các phương tiện khi đến Cần Thơ.
Do bến tàu đóng cửa không hoạt động nên việc lên xuống hàng hóa của bà con gặp khó khăn. Vừa đặt bao đồ và thở hổn hển, ông NVT, một chủ tàu chia sẻ đậu phương tiện không vào bến bãi vừa mất an toàn vừa khó khăn cho việc lên xuống hàng.
“Đậu phương tiện kiểu này khi nước lớn hoặc ròng thì bờ cách xa mũi tàu rất khó cho việc lên xuống hàng. Hôm nay đậu ở đây chứ mai không biết đậu ở đâu nữa, vì đậu như vầy là bị đuổi, mà còn chỗ nào đậu đâu” – ông T. than thở.
Do bến tàu tạm ngừng hoạt động nên các phương tiện neo đậu bất kỳ chỗ nào có thể, tạo nên cảnh bát nháo ở bến Ninh Kiều. Ảnh: CHÂU ANH
Anh LAD, chủ xe tải bày tỏ: “Mấy ngày trước bến tàu còn hoạt động, xe tải có thể đến gần để lấy hàng. Hôm nay bến tàu đóng cửa không hoạt động nên phải đậu xe ở xa rồi di chuyển hàng hóa, vừa mất thời gian vừa mệt sức”.
Bên cạnh việc hành khách phải di chuyển xa hơn, các phương tiện khó khăn khi tiếp bờ, việc bến tàu đóng cửa cũng khiến các phương tiện thủy bị ảnh hưởng. Cụ thể, theo quy định các phương tiện thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa khi lưu thông phải có giấy rời bến của đơn vị quản lý cấp phép rời.
Hiện tại bến tàu tạm ngừng kéo theo việc cấp phép không có, như vậy đồng nghĩa các phương tiện thủy trở thành hoạt động” chui”, nếu gặp CSGT thủy kiểm tra sẽ bị xử phạt.
Ngành chức năng lúng túng
Giải thích vì sao bến đã hết hạn từ tháng 7-2020 nhưng đến nay chưa cấp lại, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho hay hồ sơ đăng kiểm của bến này hơi bị trục trặc. Trả lời về việc nếu bến tàu này không hoạt động sẽ gây khó cho các phương tiện, đặc biệt là việc “bạ đâu đậu đó” gây bắt nháo cho tuyến sông, ông Dũng cho hay các phương tiện có thể qua bến gần đó để lên xuống.
Bến hiện tại đang trong thời gian sửa chữa, khi sửa chữa xong thì phải đăng kiểm lại ponton. Vì vậy trong quá trình làm thủ tục thì các phương tiện có thể đến bến gần đó, cả hai bến đều một chủ là công ty du lịch Cần Thơ mà. Hiện đơn vị đang làm thủ tục đăng kiểm ponton lại, nay mai xong sẽ cấp phép lại thôi” – ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của PV vì sao gần ngày hết hạn giấy phép đơn vị khai thác không chuẩn bị để phải hết hạn mới làm, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ giải thích ponton của bến hiện nay đã cũ, cạnh đó, mỗi lần đăng kiểm rất khó, phải thuê thợ lặn kiểm tra toàn bộ.
“Cái để đăng kiểm lại nó rất phức tạp, không phải đơn giản mà có thể làm ngay được” – ông Dũng trần tình.
Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết ponton tại bến này đã cũ, mỗi lần đăng kiểm rất khó. Ảnh: CHÂU ANH
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, ông sẽ ban hành quyết định tạm dừng hoạt động của bến, đồng thời yêu cầu đơn vị khai thác có thông báo để các chủ các phương tiện nắm rõ.
Như vậy, dù giấy phép đã hết hạn trong nhiều tháng nhưng người đứng đầu ngành giao thông TP chẳng hề hay biết. Trong khi đó, bến tàu này nằm ngay bến Ninh Kiều, nơi được xem là địa chỉ tham quan không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến TP Cần Thơ.
Việc chậm xử lý và xử lý chưa đến nơi của cơ quan chức năng đã khiến cho các phương tiện khó khăn trong việc lên xuống hàng hóa, hành khách. Cạnh đó, việc neo đậu theo kiểu tùy thích, lên xuống hàng tùy tiện làm bến Ninh Kiều trở nên “xấu xí” hơn trong mắt du khách.
Bến tàu khách và du lịch Cần Thơ mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt tàu cao tốc đón, trả khách các tuyến cố định Cần Thơ - Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Cần Thơ – Sông Đốc. Cạnh đó, bến còn tiếp nhận tàu chở hàng và tàu du lịch phục vụ hành khách tham quan chợ Nổi Cái Răng. |