Chiều 31-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, sau chín ngày thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 30-8, TP.HCM có 216.314 trường hợp nhiễm bệnh, tổng số bệnh nhân tử vong là 9.204.
So với ngày 29-8, thì số bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày 30-8 tăng lên 90 người và gần bằng với con số ca tử vong trước khi TP.HCM bước vào giãn cách nghiêm ngặt khi ghi nhận 340 ca tử vong ngày 22-8.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nếu tính trên tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 158.265 thì tỉ lệ tử vong là 5,8%. Nhưng nếu cộng thêm hơn 59.000 F0 đang điều trị tại nhà thì tỉ lệ này trong khoảng 4,2%.
Theo ông Châu, trên thế giới tùy giai đoạn, có nơi tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng 2,1 đến 4,4%. “Tỉ lệ tử vong ở TP.HCM hiện nằm trong giới hạn cao. Đây là một điều mà ngành y tế đang tìm mọi cách để giảm con số tử vong này” – ông Châu nói.
Lý giải việc ngày 30-8 có 335 ca tử vong trong khi những ngày trước đó có dấu hiệu giảm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết từ lúc có một người nhiễm bệnh sẽ có độ trễ 5-7 ngày để virus phát triển và gây ra triệu chứng, có thể diễn tiến nặng và nhập viện. Thông thường 80% ca nhiễm sau 5-6 ngày sẽ tự thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, số còn lại sau từ 7 đến 10 ngày sẽ diễn tiến nặng, tổn thương đường hô hấp và phải nhập viện.
Từ lúc nhập viện lại có thêm độ trễ khoảng 7 đến 10 ngày điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục hoặc phải thở máy xâm lấn, lúc này có một số hồi phục nhưng cũng có người không qua khỏi. Như vậy, số ca tử vong cũng như nhập viện sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của TP.HCM. “Sở Y tế nhận định có thể trong một vài ngày tới, hoặc một tuần tới số ca tử vong mới có hy vọng cải thiện và giảm” - ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, thống kê số bệnh nhân nặng đang hồi sức tại TP.HCM là 9.336 trường hợp, trong đó 1.030 người thở máy xâm lấn, là những trường hợp rất nguy kịch; 18 trường hợp chạy ECMO - biện pháp điều trị cuối cùng cho ca bị tổn thương tim, phổi rất nặng và sự thành công rất hạn chế.
Có khoảng 80% trường hợp nhiễm COVID-19 mới không có triệu chứng, nhưng khoảng 10% sẽ trở nặng. Trong 10% này có 5% cần nhập viện điều trị và những trường hợp điều trị không khỏi sẽ tử vong.
Theo thống kê đến sáng 31-8, TP.HCM có hơn 59.000 F0 được cách ly tại nhà, những người không có bệnh nền và không thuộc nhóm nguy cơ. Hiện TP có 312 trạm y tế phường, xã và có 411 trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 cách ly tại nhà. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cấp 64.000 túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà. Tỉ lệ chuyển tuyến của các F0 cách ly tại nhà khoảng 0,4%.