Đó là một buổi chiều thứ 5 bình thường đối với Alex Tunbridge, cho đến khi điện thoại của ông đổ chuông: "Xin chào, đây là Burger King. Chúng tôi muốn tài trợ cho đội bóng đá của bạn".
Ban đầu, Alex nghĩ rằng đây là trò chơi khăm vì chẳng công ty đa quốc gia nào lại muốn tài trợ cho Stevenage - một câu lạc bộ xếp gần "bét" của giải bóng đá Anh cả. Tuy nhiên, vị CEO vẫn tiếp tục lắng nghe. Khi đó, ông không biết rằng quyết định của mình sẽ trở thành chiến dịch thay đổi cả câu lạc bộ của mình và nhà tài trợ mới của họ.
Không thể tài trợ ngoài đời thực, hãy làm điều đó trong game
Tài trợ là một vấn đề lớn trong bóng đá bởi có rất nhiều khán giả theo dõi trận bóng. Khi tài trợ cho một đội, biểu tượng của công ty bạn sẽ được in trên áo đấu của cầu thủ, giúp tên tuổi thương hiệu tiếp xúc với hàng triệu khán giả. Đó là lý do tại sao Nike trả cho đội bóng Paris Saint-Germain 80 triệu USD mỗi năm tiền tài trợ.
Burger King muốn khởi động một chiến dịch marketing tương tự, ngoại trừ việc họ không muốn phá sản vì chi quá nhiều tiền tài trợ cho một đội bóng. Giải pháp chính là FIFA – series trò chơi điện tử bóng đá được phát hành hàng nămboiwr hãng Electronic Arts dưới thương hiệu EA Sports và sự cho phép của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA.
Đến năm 2021, trò chơi này đã bán được 325 triệu bản, ghi danh vào Kỷ lục Guinness với tư cách là game thể thao bán chạy nhất thế giới. Với lượng người chơi lớn như vậy, Burger King đã nhìn thấy cơ hội marketing có một không hai.
Đồ họa của FIFA rất chân thực khi tái hiện sân vận động, cuộc họp báo và các cầu thủ cũng như trang phục (gồm logo) của họ. Khán giả mục tiêu không còn là những người xem ngoài đời thực hay người xem trên TV mà là những người chơi game này.
Kế hoạch của Burger King là để logo của hãng xuất hiện trong áo thi đấu của Stevenage – đội bóng có khả năng cao sẽ xuất hiện trong phiên bản năm 2020 của FIFA.
Thử thách Stevenage
Giải bóng đá Anh có 4 hạng đấu và Stevenage đứng thứ 2 ở hạng đấu thấp nhất. Do đó, họ không quá kén chọn nhà tài trợ. Hơn nữa, màu chủ đạo của họ là đỏ và vàng – trùng với màu chủ đạo của Burger King.
Sau đó, để gây sự chú ý, Burger King tạo ra "Thử thách Stevenage" trên mạng xã hội. Theo đó, người chơi cần dẫn dắt một câu lạc bộ yếu lên đỉnh cao bằng cách ghi càng nhiều bàn thắng càng tốt.
Burger King khuyến khích các game thủ chọn Stevenage và nếu hoàn thành yêu cầu của thử thách, họ sẽ nhận phần thưởng. Ví dụ nếu ghi bàn trực tiếp từ một quả phạt góc rồi chia sẻ bàn thắng lên Twitter, họ sẽ nhận được một món ăn miễn phí từ Burger King. Thậm chí, hãng còn treo giải thưởng đặc biệt là ăn hamburger miễn phí trong 1 năm!
Điều này đã thu hút được đông đảo người tham gia bởi nhiều người muốn thử cảm giác biến một đội bóng kém cỏi thành đội bóng đẳng cấp. Ngoài ra, chỉ cần chia sẻ thành tích, họ có thể nhận được món ăn miễn phí.
Kết quả
Và kết quả là Stevenage trở thành đội được chọn nhiều nhất trong "career mode" (chế độ mà người chơi hóa thân thành huấn luyện viên dẫn dắt những câu lạc bộ mình yêu thích) của FIFA.
Đến tháng 9 năm ngoái, các game thủ đã chia sẻ hơn 25.000 bàn thắng trực tuyến bằng cách gắn thẻ cả Stevenage và Burger King trong mỗi bài đăng. Và lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc áo đấu của Stevenage được bán hết.
Nhờ chiến dịch marketing khôn ngoan của Burger King, Stevenage từ chỗ là một đội bóng vô danh đã trở nên nổi tiếng chưa từng có trong thế giới game và kiếm được khoản tiền đáng kể từ việc bán áo đấu.
Còn Burger King, tất nhiên cũng hưởng lợi khi thương hiệu tiếp cận được với người dùng mạng xã hội cũng như đối tượng mới là các game thủ. Chưa dừng lại ở đó, hãng còn mở rộng hợp đồng tài trợ của mình sang đội tuyển nữ của Stevenage và cũng gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Đội ngũ làm marketing của Burger King xứng đáng được khen ngợi cho chiến dịch trên. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc chỉ cần đủ nhạy bén, bất kỳ thương hiệu nào cũng có thể tìm được nơi tiềm năng mới để quảng bá.
Trong bối cảnh các trò chơi điện tử, phương tiện truyền thông xã hội hay hình thức phát trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay, các công ty hoàn toàn có thể tận dụng để mở rộng phạm vi tiếp cận với người tiêu dùng và tăng cường nhận diện thương hiệu.
Nguồn: BM, WK
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị