Shipper Võ Thị Ngọc Hòa chở hàng gồm gạo, hủ tiếu, bún khô từ đường Phan Bội Châu đi giao ở chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM trưa 31-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy vậy, số đơn hàng thành công vẫn còn thấp. Theo nhiều nhà phân phối, dù shipper hoạt động lại nhưng kênh đưa hàng qua chính quyền đến các hộ dân vẫn chiếm hơn 70 - 80% lượng hàng bán ra.
Tiếp tục chờ shipper
Trong ngày 31-8, sau nhiều lần đặt hàng trên nền tảng Grab, chị Hoàng (TP Thủ Đức) cho biết đã được giao hàng từ một siêu thị gần nhà. "Tôi chủ yếu mua thịt, cá đông lạnh nên hàng giao đủ, anh shipper cũng khoe sáng giờ giao được 5-6 đơn hàng, người mua và người giao đều mừng" - chị Hoàng nói.
Nhiều tài xế Grab hoạt động ở TP Thủ Đức cho biết trong ngày họ bắt đầu được mở tài khoản để kết nối nhận cuốc từ các cửa hàng theo chương trình đi chợ hộ.
Anh Thìn, một tài xế ở TP Thủ Đức, cho biết đã chạy được 6 đơn hàng trong ngày và gặp trường hợp đơn hàng không đủ món như yêu cầu của khách nên tài xế trở thành người đi chợ hộ luôn.
"Thường tôi sẽ gọi điện lại cho khách hỏi thay thế món khác được không rồi tư vấn những món sẵn có ở siêu thị, các món không thể kết hợp nấu nướng gì cũng khó cho khách" - anh Thìn nói.
Việc shipper hoạt động trở lại, đặc biệt ở "vùng đỏ", được kỳ vọng sẽ giúp việc mua hàng hóa thiết yếu của người dân dễ dàng hơn trước. Anh Trần Công Danh (phường 3, quận Bình Thạnh) cho biết từ ngày tổ trưởng dân phố lập danh sách đi chợ hộ đến nay, gia đình anh vẫn chưa thấy món nào về.
"Nhà vẫn chủ động dự trữ đồ ăn nhưng sau hơn một tuần cũng cạn dần. Tôi không rõ đơn hàng của mình sẽ được đi chợ ở đâu nên gọi lên phường, phường đẩy lại xuống tổ. Theo quy định trong những ngày giãn cách, người dân yên tâm ở nhà để chính quyền lo, nhưng ở địa phương tôi nhiều gia đình cũng bơ vơ như vậy" - anh Danh chia sẻ.
Nằm trong địa bàn "vùng đỏ", shipper không được hoạt động nên trong sáng 31-8, ngay khi nghe tin shipper được phép chạy trở lại, anh Danh liền lên ứng dụng đặt hàng nhưng tất cả đều bị hủy đơn vì không tìm được tài xế.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết đã ghi nhận tình trạng lực lượng đi chợ hộ tại một số địa phương xuất hiện dấu hiệu quá tải, ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân trong khi đơn hàng vẫn đang tăng mỗi ngày. Trong quá trình triển khai, sở vẫn ưu tiên shipper ở những khu vực đông dân cư, kịp thời chia sẻ với áp lực hiện nay như quận Tân Phú, quận Bình Tân có gần 1.900 shipper được phân bổ.
Một cán bộ quận Tân Phú cho biết với số shipper bổ sung này, những ngày tới các nhu cầu của người dân hy vọng được đáp ứng kịp thời hơn. Chỉ riêng trong ngày 31-8, trên địa bàn quận lực lượng đi chợ hộ giao hơn 4.000 túi hàng cho bà con, các phường phải huy động thêm lực lượng tình nguyện.
"Mỗi phường chỉ có khoảng 30 cán bộ nhưng phải phục vụ cho 5.000 - 6.000 hộ dân nên không tránh khỏi sơ suất".
Shipper Lý Thanh Phong giao hàng cho khách trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP.HCM sáng 31-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Siêu thị vẫn ưu tiên xử lý đơn hàng đi chợ hộ
Theo các nhà bán lẻ, ghi nhận trong ngày lượng shipper mua hàng, giao hàng hoạt động lại chưa nhiều, trong khi một số shipper cho biết chưa đủ điều kiện để hoạt động. Do đó, kênh phân phối hàng hóa chính vẫn là các đầu mối mua theo combo, mua chung.
Đại diện Saigon Co.op cho biết số lượng đầu mối mua chung, mua hộ có tăng nhẹ so với ba ngày trước đó. Việc số lượng nhân viên siêu thị được tạo điều kiện đi làm đã tăng mạnh phần nào, từng bước giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân sự trong những ngày qua, nguồn hàng cung cấp cho đơn hàng mua chung tăng dần.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho hay để đảm bảo nhu cầu cho người dân, đơn vị đã tăng khoảng 30% nguồn cung hàng về các điểm bán so với hai ngày trước đó, có một số mặt hàng tươi sống nguồn cung có thể tăng cao hơn và vẫn duy trì mức tăng này trong thời gian tới.
"Tuy vậy, nhu cầu đặt hàng hiện vẫn cao gấp 4-5 lần so với năng lực cung ứng của hệ thống, có điểm bán nhận đến cả nghìn đơn hàng mỗi ngày nên nhiều thời điểm không thể giao sớm, giao đủ các đơn đặt hàng theo yêu cầu mà phải xin nợ lại hôm sau" - vị này thừa nhận.
Tương tự, AEON Việt Nam, Lottemart… đều cho biết đang chuẩn bị phương án kết nối lại với lực lượng shipper công nghệ.
Hiện nay, ngoài chuyện siêu thị không kịp cung ứng hàng thì nhân sự giao của các đối tác vẫn chưa bổ sung kịp so với nhu cầu. Do đó, trong những ngày tới siêu thị vẫn đẩy mạnh liên kết với chính quyền xây dựng thêm đội ngũ giao nhận, mua hộ riêng lẻ cũng như combo mua chung.
Shipper và người đi đường trình giấy và mã khai báo y tế khi qua trạm kiểm soát trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM sáng 31-8 - Ảnh: T.T.D.
Thúc đẩy đi chợ hộ qua ứng dụng
Để giải quyết tình trạng quá tải cho lực lượng đi chợ hộ của chính quyền, trong ngày 31-8 đã có văn bản gửi UBND các quận huyện, TP Thủ Đức đề nghị xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab... nhằm gia tăng các điểm bán cung ứng hàng hóa cho người dân.
Đồng thời phổ biến các mô hình đi chợ hộ này đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương.
Trước đó, ngày 30-8 Sở Công thương cho biết đang theo dõi tiến độ triển khai cho shipper vận chuyển hàng hóa tại các "vùng đỏ", "vùng cam" theo hướng dẫn của UBND TP chứ chưa có kế hoạch sử dụng đội ngũ này đi chợ hộ người dân.
Thực tế trong những ngày qua, lực lượng đi chợ hộ tại một số địa phương xuất hiện dấu hiệu quá tải, gây ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân.
Theo nhiều nhà bán lẻ, một khi ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thì đầu ra nhu cầu sẽ được chia sẻ nhiều nguồn hơn so với đổ dồn vào các nhà bán lẻ hiện nay.
Không những vậy, triển khai đi chợ hộ qua app còn giúp quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán dễ dàng hơn.
Shipper được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 test nhanh tại trạm y tế lưu động trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM sáng 31-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần huy động thêm nhiều đơn vị cung ứng ngoài siêu thị
Nhiều người dân cho hay hiện nay việc mua hàng qua shipper vẫn gặp trở ngại do khu vực bị phong tỏa, các shipper không thể vào giao hàng được, trong khi mua chung vẫn đang gặp khó khăn.
"Cả mười ngày qua tôi đặt mua sữa nhưng không thể được" - một người dân ở quận 3, TP.HCM nói. Trong khi đó, chị Trinh (phường 14, quận 3) cho biết mua combo của Co.opmart chất lượng ổn nhưng nếu được thì có thể cho hàng hóa đa dạng hơn như các loại trái cây…
Theo đại diện Phòng kinh tế quận 11, nhu cầu người dân đặt mua chung qua chính quyền có giảm, hiện đạt gần 600 triệu đồng/ngày. Tuy vậy đơn vị vẫn duy trì lượng nhân lực ở các phường, khu phố nên hầu hết các đơn hàng tại quận sẽ được giao sau 1-2 ngày đặt hàng.
Theo vị này, quận chia theo từng cụm, mỗi cụm có 4 phường sẽ nhận hàng từ một đơn vị phân phối lớn và quận luôn cập nhật thường xuyên và điều phối cung cầu phù hợp. Khi cụm này thiếu hàng thì quận sẽ linh động cắt nguồn cung từ những cụm khác đang dồi dào hơn để chuyển qua cụm thiếu, khi cần sẽ chuyển nhân lực qua lại để có thể đáp ứng việc cung cấp hàng cho người dân.
Ngoài ra, có thể tăng thêm nguồn cung bằng cách cấp thêm giấy đi đường không chỉ cho các đơn vị siêu thị mà cho cả doanh nghiệp, vựa cung cấp nông sản thực phẩm để ký kết cung cấp hàng ổn định, giá tốt.
N.TRÍ - N.BÌNH
Bà Phan Hoàng Bích Khuê (trưởng bộ phận mua hàng, chuỗi cửa hàng thực phẩm Kingfood Market):
Cần coi shipper là lực lượng tuyến đầu chống dịch
Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đón nhận tin vui khi đội ngũ shipper được tái hoạt động. Việc chuyển hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân sẽ thuận lợi hơn khi có sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên nghiệp này. Theo tôi, shipper là đội ngũ không thể thiếu nếu muốn đảm bảo an sinh cho người dân trong thời gian thắt chặt giãn cách xã hội.
Nếu mỗi hộ dân cần một người đi chợ thì cần hàng triệu người đi chợ tại TP.HCM, việc đi chợ này bao gồm rất nhiều công việc từ di chuyển, lựa hàng, tính tiền... Trong thời gian giãn cách xã hội, tổng nhân sự của các đơn vị bán lẻ ở TP không thể nào đảm bảo được công việc này dù đã rất nỗ lực.
Trong khi đó, việc bán hàng thông qua dịch vụ đi chợ hộ của các phường hay đặt trực tiếp qua website đều gặp nút thắt cổ chai ở số lượng người vận hành, thiếu người giao hàng, thiếu người lựa hàng, tính tiền...
Với điều kiện quân đội và chính quyền địa phương hỗ trợ như hiện nay, nhà bán lẻ chỉ hoạt động dựa trên năng lực và quy mô nhân sự giới hạn được Sở Công thương cấp giấy đi đường, dẫn đến số lượng hộ dân được phục vụ rất thấp, đơn hàng dồn ứ, cầu không gặp cung.
Việc có thêm đội ngũ shipper sẽ giúp phần nào giải bài toán giao hàng, để các siêu thị tập trung chuẩn bị hàng đủ thành phần, đúng số lượng và giao cho shipper nhanh nhất có thể. Nhiều shipper đã có thâm niên nên họ rất rành đường sá, giao nhanh cũng như bảo quản hàng hóa tốt.
Tôi lấy ví dụ những mặt hàng tươi sống, nếu lực lượng đi chợ hộ quá tải, giao chậm thì cá thịt đến tay người dân đã mất ngon, thậm chí hư hỏng.
Do đó, cần phải xem shipper trong mùa dịch này cũng là một lực lượng tuyến đầu trong chuyện lo miếng ăn cho người dân. Như thế, cần phải quan tâm tốt hơn cho đội ngũ này, chăm sóc để shipper vừa đảm bảo sức khỏe cho họ và gia đình, khách hàng cũng như đơn vị bán lẻ.
Điều này đảm bảo để mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng đều "khỏe mạnh" và không làm tình hình dịch căng thẳng hơn.
Theo tôi, cần cung cấp cồn khử khuẩn và huấn luyện shipper sử dụng liên tục cho bản thân, người tiếp xúc. Đồng thời, cần ưu tiên tiêm vắc xin đủ hai mũi cho các shipper và xét nghiệm định kỳ miễn phí cho họ trong suốt thời gian giãn cách nghiêm ngặt.
NGỌC HIỂN ghi
TTO - Ngày đầu tái xuất giao hàng ở "vùng đỏ" ngày 31-8, các ứng dụng shipper đều bật lại tính năng giao nhận đơn hàng, song dịch vụ "đi chợ hộ" có hãng mở, hãng không.
Xem thêm: mth.18310828010901202-iat-auq-od-reppihs-oc-nad-ohc-uey-teiht-gnah-oaig/nv.ertiout