vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia: Trung Quốc lại có bước đi hòng chiếm trọn Biển Đông

2021-09-01 16:30

Đây là luật sửa đổi Luật an toàn hàng hải được thông qua năm 1983 và được sửa đổi vào năm 2016. Luật mới bao gồm 10 chương và 122 điều, so với luật sửa đổi trước đó bao gồm 12 chương và 53 điều.

Về ấn tượng chung thì có vẻ luật sửa đổi mới là để quản lý tốt hơn an toàn hàng hải trong “vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc.

Tuy vậy, với sách lược “hư hư thực thực” để phục vụ mưu đồ bành trướng, từng bước độc chiếm Biển Đông và các vùng biển khác xung quanh Trung Quốc mà nước này tuyên bố chủ quyền trái với luật pháp quốc tế, Trung Quốc luôn có ý đồ lợi dụng luật pháp quốc tế bằng cách cụ thể hóa trong luật pháp quốc gia những quy định tưởng chừng tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng trong thực tế lại là vi phạm luật pháp quốc tế.

Ví dụ, trong Luật an toàn hàng hải mới sửa đổi, Điều 24 quy định “một tàu cần sử dụng một trạm vô tuyến trên bờ để truyền thông tin trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc phải sử dụng một trạm vô tuyến nội địa hoặc trạm cổng vệ tinh phù hợp với luật pháp (của Trung Quốc)”.

Điều 48 của luật này cũng quy định những hoạt động xây dựng trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc phải xin phép cơ quan an toàn hàng hải (của Trung Quốc).

Điều 120 quy định việc quản lý các tàu quân sự nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc phải tuân thủ các luật của Trung Quốc. Nhìn sơ qua thì các quy định này có vẻ phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng không phải như vậy. Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) quy định rằng tất cả các quốc gia được thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia ven biển; và do vậy không có quy định nào cho phép một quốc gia ven biển bắt buộc các “tàu thuyền hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển phải sử dụng một trạm vô tuyến nội địa hoặc trạm cổng vệ tinh phù hợp với luật pháp (của quốc gia ven biển đó) để truyền thông tin.

Ngoài ra, UNCLOS cũng không có quy định riêng về việc hoạt động quân sự của tàu nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia ven biển.

Ngoài những điểm nêu trên, nội dung của luật này cũng có một số điểm mâu thuẫn. Thí dụ, Điều 121 quy định rằng các quy định trong luật này trái với các điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên thì áp dụng điều ước quốc tế.

Mặt khác, tuy rằng Trung Quốc là thành viên UNCLOS nhưng Điều 54 lại quy định trái với quy định trong UNCLOS rằng các tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở các chất phóng xạ, chất độc hại và các loại tàu có khả năng gây mất an toàn hàng hải theo quy định trong pháp luật Trung Quốc khi đi vào hoặc ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc phải thông báo cho cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc.

Nguy hiểm cho các nước xung quanh Biển Đông

Đối với các quốc gia xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam và các quốc gia khác, quy định của Trung Quốc trở thành cực kỳ nguy hiểm.

Cần chú ý rằng cái gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” trong Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố là toàn bộ vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” hoặc vùng biển liên quan tới “Tứ Sa”.

Cả hai cách tuyên bố này đều cho Trung Quốc một vùng biển chiếm trên  80% diện tích Biển Đông và bao gồm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia: Trung Quốc lại có bước đi hòng chiếm trọn Biển Đông - ảnh 1
Trung Quốc bóp méo lịch sử để bảo vệ yêu sách “tứ sa” phi pháp. Trong ảnh: Một hạm đội hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay chiến đấu, tham gia tập trận ở Biển Đông năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES

Luật an toàn hàng hải cùng với Luật hải cảnh trước đó của Trung Quốc có thể được coi là một bước mới của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Trung Quốc sẽ có thể bắt buộc tàu thuyền của Việt Nam và của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông và vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia hợp pháp của các nước, đặc biệt là vùng biển thuộc khu vực hai quần đảo Hoàng SaTrường Sa của Việt Nam phải sử dụng trạm vô tuyến trên bờ hoặc vệ tinh của Trung Quốc; và nếu họ không thực hiện thì tàu hải cảnh của Trung Quốc căn cứ vào Luật hải cảnh có thể bắt giữ họ.

Các hoạt động xây dựng hợp pháp trong vùng biển quốc gia của Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông sẽ bị Trung Quốc gây khó khăn. Ngoài ra, tàu thuyền quân sự của Việt Nam và các nước hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình và vùng biển quốc tế cũng sẽ bị Trung Quốc quấy nhiễu. Như vậy, bằng cách ban hành Luật an toàn hàng hải với một số điều khoản mơ hồ, trong tương lai Trung Quốc sẽ hợp pháp hóa việc bắt nạt, cưỡng ép các quốc gia khác trên vùng biển quốc gia của họ.

Cần ứng xử như thế nào?

Có thể thấy Trung Quốc đi từng bước rất bài bản, ban hành hoặc sửa đổi một số luật để từng bước chiếm trọn Biển Đông.

Tôi cho rằng với âm mưu từng bước độc chiếm Biển Đông, không chỉ ban hành Luật an toàn hàng hải sửa đổi mà Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục xây dựng, sửa đổi các luật để từng bước hợp thức hóa các hành động dựa trên sức mạnh, bắt nạt, cưỡng ép của họ.

Tuy vậy, dù họ có tinh vi đến thế nào thì họ cũng không thể vượt qua được các quy định của luật pháp quốc tế và che mắt được cộng đồng quốc tế. Ví dụ, Điều 121 của Luật an toàn hàng hải sửa đổi của Trung Quốc quy định rằng các quy định trong luật này trái với các điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên thì áp dụng điều ước quốc tế.

Trung Quốc là thành viên UNCLOS, và tuyên bố vùng biển trong đường lưỡi bò hoặc Tứ Sa của Trung Quốc là trái với UNCLOS, bị Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS bãi bỏ. Như vậy, Việt Nam và các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực khác có thể căn cứ vào UNCLOS, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế và các luật pháp quốc tế khác để vô hiệu hóa các quy định và hành động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

(*) PGS-TS Vũ Thanh Ca là nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; hiện là giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Xem thêm: lmth.3932101-gnod-neib-nort-meihc-gnoh-id-coub-oc-ial-couq-gnurt-aig-neyuhc/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia: Trung Quốc lại có bước đi hòng chiếm trọn Biển Đông”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools