Theo tờ South China Morning Post, trong bối cảnh Taliban tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh để tái thiết Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, các nhà phân tích cảnh báo không có gì đảm bảo rằng nhóm có thể thực hiện cam kết bảo vệ công dân nước ngoài, nhất là Trung Quốc.
Theo ông Nishank Motwani - một nhà phân tích độc lập về các vấn đề Afghanistan, hiện Taliban đã nắm quyền nhưng cách nhóm này quản lý đất nước vẫn chưa rõ ràng. Nguyên nhân chính là vì nội bộ nhóm vẫn chưa thống nhất về cách phân chia quyền lực và cách thực thi các quyền lực đó.
"Do đó, Trung Quốc và các quốc gia khác từng có các cuộc đàm phán với Taliban không thể chắc chắn về việc liệu nhóm này có thể thực hiện những gì đã hứa hay không" - ông Motwani nhận định.
Các thành viên cực đoan của Taliban đào tẩu sang IS-K
Trong khi Taliban tuyên bố sẽ bảo vệ những công dân nước ngoài và cam kết ngăn Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố, sự chia rẽ trong nhóm đã nhấn mạnh sự mong manh của đất nước và những thách thức khó khăn phía trước.
Người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 28-7. Ảnh: HINDUSTAN TIMES
Ông Faran Jeffery - một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực chống khủng bố có trụ sở tại Anh tỏ ra nghi ngờ về khả năng các nhà lãnh đạo chính trị của Taliban - những người đã đàm phán thỏa thuận hòa bình với Mỹ, có thể kiểm soát giới lãnh đạo quân sự.
Theo ông Jeffery, người điều phối các cuộc chiến của Taliban là các chỉ huy quân sự. Tuy nhiên, những người này hầu hết đều theo đường lối cứng rắn.
Một số phần tử cực đoan vốn không hài lòng với thái độ thực dụng của giới lãnh đạo Taliban có khả năng sẽ đào tẩu sang tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) - nhóm khủng bố gây ra cuộc tấn công ở sân bay Kabul ngày 26-8.
"Trong quá khứ, một số chỉ huy cấp tỉnh và chiến binh của Taliban đã từng đào tẩu sang IS-K. Đây là điều mà chúng ta cần phải xem xét trong những ngày tới" - ông Jeffery nói.
Ngoài ra, hiện thách thức lớn nhất đối với Taliban là ngăn chặn những cú sốc kinh tế có thể dẫn đến lạm phát và khủng hoảng nhân đạo. Cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu khiến nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào viện trợ và tài chính nước ngoài.
Nền kinh tế Afghanistan càng trở nên mong manh hơn sau khi Mỹ đóng băng gần 9,5 tỉ USD tài sản ở ngân hàng trung ương Afghanistan và ngừng chuyển tiền mặt cho quốc gia này. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có nghĩa là Taliban hầu như sẽ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào bên ngoài đất nước.
Những áp lực này càng làm gia tăng khả năng chia rẽ giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ Taliban.
Mối đe dọa khủng bố
Theo ông Motwani, vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul do IS-K thực hiện đã "nhấn mạnh rằng bất kỳ tác nhân nước ngoài nào muốn lợi dụng việc Mỹ rời khỏi Afghanistan đều có nguy cơ trở thành mục tiêu khủng bố".
Một báo cáo vào tháng 6 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 8.000 đến 10.000 chiến binh khủng bố nước ngoài đã ở Afghanistan. Các chiến binh chủ yếu đến từ Trung Á, khu vực bắc Caucasus của Nga, Pakistan và khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho biết mặc dù đa số có quan hệ với Taliban, nhưng phần lớn trong số đó cũng ủng hộ al-Qaeda.
Ông Motwani cảnh báo sẽ là "một tính toán sai lầm tốn kém" đối với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác nếu họ nghĩ rằng công dân của mình sẽ nhận được sự bảo vệ của Taliban.
Theo ông Motwani, việc Bắc Kinh có cuộc gặp với Taliban trước khi nhóm này chiếm được thủ đô Kabul không có nghĩa là người dân Trung Quốc sẽ được đảm bảo an toàn.
Ông Jeffery cho biết hiện tại có rất ít công dân Trung Quốc ở Afghanistan. Tuy nhiên, trong tương lai người Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố.
Các nhóm này bao gồm Phong trào Hồi giáo Turkestan ly khai - tổ chức nhiều lần bị Bắc Kinh cáo buộc gây ra mối đe dọa khủng bố ở Tân Cương.