Thép là một trong những ngành hưởng lợi rất nhiều từ các yếu tố trong và ngoài nước giúp cho doanh thu và lợi nhuận cùng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Giá cổ phiếu ngành thép theo đó cũng tăng nóng trên thị trường chứng khoán.
Sau lên đỉnh là điều chỉnh
Đà tăng mạnh mẽ nhất của nhóm cổ phiếu ngành thép là trong 6 tháng đầu năm 2021, với các mã điển hình của ngành là HPG, HSG, NKG cùng một số mã có qui mô nhỏ hơn như TLH, TVN, POM, TDS, SMC, VGS… Trong giai đoạn trên, những mã tăng giá ít nhất cũng 30-40%, mức trung bình khoảng 50%, khá hơn có thể tới 70-80%, một vài mã tăng mạnh lên cả 100%.
Cao điểm tăng của giá cổ phiếu thép rơi vào tháng 6.2021 khi nhu cầu nhập khẩu thép từ nhiều thị trường quốc tế tăng mạnh trong khi giá thép trong nước cũng liên tục tăng nóng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thép với lợi thế hàng tồn kho nguyên vật liệu (quặng sắt và thép cuộn cán nóng HRC) giá thấp nhưng lại bán ra thành phẩm với giá tăng cao nên mang đến những khoản lợi nhuận kếch xù.
Đơn cử như Hòa Phát, quý 2/2021 đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục hơn 9.700 tỉ đồng. Thép Nam Kim lợi nhuận quý 2 cao gấp 90 lần cùng kỳ năm trước. Tôn Hoa Sen tính gộp đến hết quý 2/2021 (năm tài chính của Hoa Sen là hết quý 3) đạt hơn 3.370 tỉ đồng, chỉ số lợi nhuận trên mệnh giá cổ phiếu (EPS) hơn 6.800 đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 7 trở lại đây, giá cổ phiếu thép đã dần điều chỉnh. Nguyên nhân được cho rằng do giá thép trong nước sau một thời gian tăng nóng đã dần hạ nhiệt, thị trường chứng khoán nói chung đã trải qua gần hết tháng 7 cũng điều chỉnh giảm mạnh.
Cổ phiếu thép có còn lợi thế?
Sang tháng 8, thị trường chứng khoán hồi phục trong khoảng 20 ngày đầu nhưng 10 ngày cuối tháng lại có xu hướng điều chỉnh giảm. Trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu thép bị phân hóa mạnh theo hướng những mã đã tăng giá nhiều trước đó bị chững lại như HPG, HSG, TVN, TLH trong khi một số mã có câu chuyện riêng như NKG, VGS thì lại tăng giá khá mạnh.
Theo báo cáo phân tích trước đó từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), các lợi thế và những khoản lợi nhuận khủng từ kết quả sản xuất kinh doanh tích cực của ngành thép đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu thép tính đến thời điểm kết thúc quý 2/2021. Đó là sự kỳ vọng kết quả lợi nhuận cao của ngành này và trên thực tế các doanh nghiệp thép đã đạt được lợi nhuận thậm chí vượt kỳ vọng.
Tuy nhiên, cũng theo VCSC, biên lợi nhuận của ngành thép sẽ thu hẹp trong 6 tháng cuối năm 2021 khi lợi thế hàng tồn kho nguyên vật liệu giá rẻ không còn được như trước. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thép chịu áp lực chốt lời mạnh.
Thế nhưng ở một góc nhìn khác, từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, quan hệ Việt – Mỹ càng được tăng cường và sản phẩm thép Việt Nam có triển vọng tiếp tục duy trì lượng xuất khẩu ổn định và tăng trưởng sang thị trường Hoa Kỳ.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 được kỳ vọng sẽ kìm chế trong quý 3 để sang quý 4 mở cửa lại nền kinh tế, đặc biệt là ở phía nam. Cùng với đó, các dự án đầu tư công được thúc đẩy cũng sẽ là cơ hội bán hàng của ngành vật liệu xây dựng trong đó có thép.
Còn một yếu tố nữa, nếu so sánh mặt bằng chung cổ phiếu trên thị trường niêm yết hiện nay, nhóm cổ phiếu ngành thép có chỉ số P/E (lợi nhuận trên giá cổ phiếu) khá hấp dẫn, phổ biến từ 5-7 lần, trong khi mặt bằng P/E chung của VN-Index là 15.6x, và không ít cổ phiếu ngành khác có chỉ số P/E từ 10-20 lần.
Xem thêm: odl.997849-gnon-noc-oc-peht-ueihp-oc-hca-i-aig-gnuhk-nauhn-iol-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal