Tàu chiến đấu ven bờ USS Charleston của hải quân Mỹ di chuyển trên Biển Đông tháng 7-2021 - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
"Mỹ kiên quyết với quan điểm là bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải, hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế", ông Supple phản hồi các câu hỏi về Luật an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.
Đại diện Lầu Năm Góc khẳng định các yêu sách hàng hải rộng lớn và bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đang gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển", bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông.
"Mỹ cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở", ông Supple khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối cho biết liệu Chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về luật an toàn hàng hải mới hay không.
Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ đã nói rõ quan điểm của mình với Bắc Kinh rằng Washington coi các yêu sách lãnh thổ bành trướng là bất hợp pháp.
"Chúng tôi không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp đã cùng với các đối tác và đồng minh của mình chống lại các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quá mức của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó", ông Price nhấn mạnh với báo South China Morning Post (SCMP).
Các bình luận được đưa ra 2 ngày sau khi Cục An toàn hàng hải Trung Quốc thông báo các tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải Trung Quốc" sẽ phải báo cáo một loạt thông tin.
Theo SCMP, quy định mới được áp dụng từ ngày 1-9 trên "Biển Đông, biển Hoa Đông và các đảo, đá ngầm khác nhau nằm rải rác trên các vùng biển" mà Trung Quốc đã đưa ra yêu sách vô lý.
Bất chấp những yêu sách phi lý này đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, Bắc Kinh liên tục có các động thái củng cố và dẫn đến những căng thẳng trong khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 7-2021, quân đội Trung Quốc tuyên bố đã "xua đuổi" một tàu chiến Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng. Hải quân Mỹ sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin, khẳng định không có việc bị Trung Quốc xua đuổi.
Trong Luật an toàn giao thông hàng hải 2021, Trung Quốc khẳng định sẽ yêu cầu các tàu nước ngoài "bị xác định gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải" báo cáo thông tin.
Theo giới chuyên gia, đây là một sự mập mờ về câu chữ, cho phép Trung Quốc diễn giải, áp đặt lên cả tàu quân sự.
Tuy nhiên, cũng giống như tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đã đơn phương đưa ra trên biển Hoa Đông, giới chuyên gia tin rằng phần lớn các nước sẽ phớt lờ luật hàng hải mới của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".
TTO - Luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1-9. Phía Việt Nam đã có phản ứng chính thức đầu tiên trước diễn biến này.
Xem thêm: mth.79255506020901202-couq-gnurt-iah-gnah-naot-na-taul-hcirt-ihc-ym/nv.ertiout