Đại diện các Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp kiến và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao trong khuôn khổ chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc gián đoạn sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch an toàn vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Chú trọng bảo vệ thương hiệu
* Thưa ông, trong bối cảnh dịch COVID-19, việc giữ ổn định sản xuất, phát triển thương hiệu là thách thức lớn. Vậy những điểm nổi bật của công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu là gì?
- Việc nâng cao nhận thức và giữ vững thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, càng luôn được chú trọng. Bởi càng khó khăn, thương hiệu càng phải được bảo vệ, chú trọng phát triển để làm nền tảng vững chắc cho giai đoạn hậu khủng hoảng. Do đó, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ ở thị trường trong nước và quốc tế.
Chúng tôi mời các chuyên gia hàng đầu về đào tạo thương hiệu, phổ biến kiến thức bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua tổ chức hội thảo, diễn đàn. Để tạo tính lan tỏa hơn trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình được tổ chức theo hình thức hybrid. Các vấn đề thảo luận như làm thế nào để tận dụng vị thế mới, giá trị mới của Thương hiệu quốc gia Việt Nam; các giải pháp xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế...
Cùng với đó, cục phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm được lựa chọn. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá với sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được truyền thông đa dạng và có độ phủ sóng cao. Nội dung tuyên truyền về các thương hiệu ngành, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với đăng ký bảo hộ thương hiệu, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với văn hóa, du lịch... để thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng, nâng cao độ nhận diện thương hiệu.
Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với Tham tán thương mại tích cực tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá ngành hàng ở địa bàn. Xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá trên phương tiện truyền thông quốc tế và các địa bàn xuất khẩu chủ lực. Nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá tại các hội chợ triển lãm quốc tế đang được diễn ra theo hình thức hybrid để lan tỏa thương hiệu với cộng đồng bạn bè quốc tế.
Chúng tôi cho rằng với các chương trình này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đẩy mạnh truyền thông trong nước và quốc tế
* Năm 2022 sẽ là năm xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, vậy công tác chuẩn bị đến nay thế nào, thưa ông?
- Theo quyết định số 30 của Thủ tướng về Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, việc xét chọn sẽ diễn ra hai năm một lần. Vì vậy, năm 2022 sẽ là kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 8. Việc xét chọn sẽ được thực hiện theo trình tự chặt chẽ nhằm đảm bảo tính pháp lý, công bằng, công khai, minh bạch cho hoạt động này. Doanh nghiệp sẽ nộp 3 bộ hồ sơ đăng ký chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trước ngày 31-3 của năm xét chọn đến Bộ Công thương.
Chúng tôi cũng đang xúc tiến các hoạt động, ban thư ký chương trình là Cục Xúc tiến thương mại sẽ có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ, đăng ký và xét chọn đảm bảo đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch. Tiếp theo đó sẽ là lễ công bố xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 2022, dự kiến được tổ chức vào quý 4-2022, để vinh danh các doanh nghiệp đã theo đuổi và đáp ứng được các tiêu chí của chương trình là: "Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong".
Song song với hoạt động xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội thực hiện các nội dung đã được quy định chi tiết trong Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Chủ động linh hoạt trong cung cấp thông tin truyền thông, xây dựng chuyên đề truyền thông, quảng bá hiệu quả.
Chương trình tuyên truyền, hội thảo về thương hiệu Việt Nam là một trong các hoạt động để nâng cao năng lực sản phẩm. Ảnh: THQG
* Vậy định hướng hỗ trợ, triển khai thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong năm 2022 sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Công tác tuyên truyền vẫn sẽ là trọng tâm, nên Cục Xúc tiến thương mại cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn không chỉ trong nước mà quốc tế. Trong đó sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài thông qua các đài truyền hình, báo chí quốc tế và các sự kiện văn hóa, kinh tế - xã hội. Nội dung trọng tâm sẽ tập trung vào các địa bàn xuất khẩu chủ lực, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng/người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, tăng cường giao dịch thương mại trong nước.
Đồng thời giúp doanh nghiệp củng cố, gia tăng sức mạnh thương hiệu sản phẩm, tạo đà xuất khẩu để sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục thì sẽ tận dụng được cơ hội của hậu COVID-19. Bởi khi đó nền kinh tế trong nước và thế giới lấy lại đà tăng trưởng, thị trường trong và ngoài nước bùng nổ về nhu cầu hàng hóa thì các doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm Việt Nam sẽ là điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xem thêm: mth.12734614113801202-hcid-uah-ioh-oc-nod-gnas-nas-ueih-gnouht-uig/nv.ertiout