Tại các cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước và các bộ để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa chiều 1-9, Bộ GTVT cho biết một tuần qua tình hình giao thông cơ bản ổn định, các vướng mắc tại một số địa phương đã được thống nhất tháo gỡ để đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Còn có địa phương “đẻ” thêm điều kiện gây khó
Khu vực phía Nam đã khai thác hiệu quả hơn vận tải đường thủy nội địa để lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản. Các phương tiện tàu cao tốc đã vận chuyển được 207 tấn hàng hóa, nông sản cung ứng cho TPHCM.
Cạnh đó, một số địa phương huy động thêm tàu hải quân để tham gia vận tải, dự kiến trong tuần sau, sẽ nâng sản lượng vận chuyển qua đường thủy nội địa lên trên 1.000 tấn.
Điểm đáng chú ý trong tuần vừa qua là việc Bộ GTVT ban hành năm hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải để thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: V.DŨNG
Bộ GTVT cũng là một trong số các bộ, ngành đầu tiên xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ tối đa về vận tải và tổ chức giao thông cho TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó, có phương án huy động phương tiện ô tô các loại và lái xe dự phòng để kịp thời sử dụng khi cần thiết, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân trên mọi lĩnh vực quản lý của ngành.
Cũng trong tuần qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ ra nhiều văn bản đề nghị các tỉnh như Gia Lai, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế… tháo gỡ khó khăn cho phương tiện lưu thông thuận lợi.
Các địa phương cũng cố gắng nỗ lực để tổ chức giao thông kết hợp với kiểm soát, tạo điều kiện xét nghiệm cho các lái xe nên cơ bản không để ùn tắc kéo dài…Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc nhất định tại một số ít địa phương về quy định thời hạn giấy xét nghiệm, công nhận test nhanh và PCR, hàng hóa được phép vận chuyển.
Cần thống nhất quan điểm “luồng xanh”
Ghi nhận sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của ngành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhấn mạnh về việc cần thống nhất quan điểm về “luồng xanh”. Hiện nay chỉ trừ tuyến đường nào phải bắt buộc hạn chế để phòng chống dịch, còn lại tất cả đều là “luồng xanh”.
“Quan điểm là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hàng hóa được lưu thông phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, sản xuất, xuất nhập khẩu, duy trì chuỗi sản xuất, không để bị đứt gãy… Cần phải có kế hoạch linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa và cả hàng hải để giảm tải áp lực cho vận tải đường bộ…”- ông Thể yêu cầu.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng nhắc Sở GTVT các tỉnh, thành tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành những quy định phải phù hợp, đảm bảo không để ách tắc giao thông, cản trở việc lưu thông hàng hóa.
“Cần thống nhất quan điểm, phương pháp để triển khai vì nếu để xảy ra thêm một điểm ùn tắc kéo dài sẽ phát sinh thêm điểm nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh. Việc triển khai phần mềm cấp QR Code phải đảm bảo thông suốt, kịp thời, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi…”- ông Thể nhấn mạnh.
Đối với các địa phương đang là vùng xanh, trong dịp nghỉ lễ 2-9, Bộ trưởng yêu cầu Sở GTVT phải chủ động tham mưu các phương án tổ chức giao thông cho người và hàng hóa đảm bảo thuận tiện, an toàn giao thông và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng về việc tích hợp đồng bộ, thống nhất các phần mềm đang triển khai để kiểm soát khai báo y tế, thông tin di chuyển của người dân, ông Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp tích cực cùng các cơ quan liên quan của Bộ Công an để nghiên cứu tích hợp, sử dụng chung một phần mềm cấp QR Code để kê khai thông tin về người trên xe và phương tiện…
“Qua đó, tạo điều kiện thống nhất trong quản lý, giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe và đơn vị vận tải khi thực hiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa không phải khai báo nhiều lần với các thông tin trùng lặp, nhiều loại giấy tờ khác nhau. Đặc biệt, giảm bớt giấy tờ cho người trên phương tiện, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 và việc truy vết khi có ca nhiễm…”- ông Thể nhấn mạnh.