Đã hai tuần kể từ khi Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul (Afghanistan), lực lượng này vẫn chưa tiết lộ thể chế cũng như cách họ sẽ điều hành đất nước. Trong bối cảnh này, Taliban lại phải đối mặt với một loạt thách thức trong nước như sự thiếu niềm tin từ người dân, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo cùng hàng loạt vấn đề chính trị - xã hội chồng chất tại quốc gia này, theo hãng tin Reuters.
Dân thiếu niềm tin
Theo tờ RTE, dân chúng Afghanistan hiện không có nhiều niềm tin với Taliban. Trong giai đoạn cầm quyền 1996-2001, lực lượng này đã áp dụng hà khắc luật Sharia (luật Hồi giáo). Theo đó, họ cấm phụ nữ đi học cũng như tham gia các hoạt động tại nơi công cộng và thẳng tay hành quyết các đối thủ chính trị. Ngoài ra, lực lượng này cũng đã tấn công một số nhóm dân tộc thiểu số như nhóm sắc tộc Hazara.
Giờ đây, Taliban hứa sẽ thiết lập một hệ thống mềm mại hơn và sẽ cấp quyền cho phụ nữ đúng theo những gì luật Sharia cho họ. Họ cũng đã cam kết xây dựng một chính phủ toàn diện, tổ chức các cuộc đàm phán với nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong chính trường Afghanistan, bao gồm cả cựu Tổng thống Hamid Karzai. Bên cạnh đó, Taliban cũng tuyên bố ân xá cho tất cả những người Afghanistan làm việc cho các lực lượng nước ngoài.
Người dân Afghanistan tập trung bên ngoài ngân hàng để rút tiền sau khi Taliban tiếp quản Kabul (Afghanistan). Ảnh: REUTERS
Tại tỉnh Panjshir (Afghanistan), dưới sự lãnh đao của ông Ahmad Massoud (thủ lĩnh nhóm sắc tộc Tajik), hàng ngàn dân quân và cựu sĩ quan quân đội Afghanistan vẫn đang tiếp tục các chiến dịch chống lại Taliban. Ngày 1-9, lãnh đạo cấp cao của Taliban - ông Amir Khan Motaqi đã kêu gọi lực lượng ở Panjshir hạ vũ khí và tiến hành đàm phán, nhấn mạnh rằng “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan là nhà của mọi người dân Afghanistan”.
Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan cho rằng vấn đề ở đây là hành động chứ không phải chỉ là lời nói. Phụ nữ, đặc biệt là ở các thành phố, hiện vẫn sợ hãi việc bước ra đường. Theo Reuters, nhiều người do quá sợ hãi cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban nên đã đổ xô đến khu vực biên giới, chờ đợi mở lại các cửa khẩu và rời khỏi đất nước.
Taliban rất cần tiền
Afghanistan là một trong những nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Kể từ sau khi Taliban bị Mỹ và quân đồng minh đẩy lùi năm 2001, một lượng lớn viện trợ nước ngoài đã đổ vào quốc gia này. Riêng năm 2020, viện trợ quốc tế chiếm hơn 40% GDP của quốc gia Tây Nam Á này.
Tuy nhiên, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, các hoạt động hỗ trợ này đã bị đình chỉ. Lực lượng Taliban cũng không thể tiếp cận số tài sản trị giá gần 10 tỉ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan mà chính phủ nước này đã gửi cho Mỹ.
Theo Reuters, Afghanistan hiện đang rất cần tiền. Taliban hiện đang tìm giải pháp cho thanh khoản và giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng - bao gồm kêu gọi các nước duy trì các họat động kinh tế với Afghanistan - nhằm ngăn chặn nền kinh tế bị sụp đổ.
Người dân Afghanistan hiện đang đối mặt với trình trạng giá cả hàng hóa bất ngờ tăng vọt. Theo RTE , cuộc khủng hoảng này có nguy cơ trở thành thảm họa, vì Taliban cần tìm cách trả lương cho nhân viên chính phủ và tiếp tục vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng như điện, nước và thông tin liên lạc.
Ngoài khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo, Taliban còn phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám. Trong những ngày qua, nhiều người Afghanistan có tay nghề cao, kinh nghiệm dày dặn - gồm bác sĩ, chuyên gia ngân hàng, kỹ sư, giáo sư và cả lực lượng trí thức trẻ của nước này - cũng đã lựa chọn rời khỏi đất nước thông qua chiến dịch sơ tán của phương Tây. Điều này có thể tác động rất lớn đến nền kinh tế của nước này.
Các chuyên gia cho biết hệ thống tài chính Afghanistan sẽ rất khó hoạt động trở lại nếu như không có sự tham gia của các chuyên gia ngân hàng, nói thêm “không biết họ (Taliban) sẽ quản lý như thế nào vì hầu hết các nhân viên kỹ thuật, gồm các quản lý cấp cao, đã rời khỏi đất nước”.
Ngoài ra, theo hãng tin AP, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo nước này có nguy cơ đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, nguồn dự trữ lương thực đang ở mức thấp và có thể sẽ cạn kiệt ngay trong tháng này do xung đột đã làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp. Bên cạnh đó, đợt hạn hán nghiêm trọng cũng đồng thời ập đến với quốc gia này trong bối cảnh Afghanistan đang rơi vào khủng hoảng lớn. Hàng ngàn nông dân nghèo buộc phải bỏ địa phương để tìm các nơi trú ấn bên trong thành phố.
Đe dọa khủng bố
Theo Reuters, hơn 123.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul trong cuộc không vận do Mỹ dẫn đầu sau khi Taliban chiếm giữ thành phố vào giữa tháng 8, nhưng hàng chục nghìn người Afghanistan có nguy cơ vẫn ở lại.
Với việc sân bay Kabul không còn hoạt động, các nỗ lực hỗ trợ sơ tán người dân Afghanistan sẽ tập trung thông qua các tuyến biên giới giáp Iran, Pakistan và các nước Trung Á. Tuy nhiên, một số cửa khẩu biên giới Afghanistan vẫn đang trong tình trạng đóng cửa.
Anh và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc đàm phán riêng rẽ với các đại diện cấp cao của Taliban tại thủ đô Doha (Qatar) trong bối cảnh lo ngại rằng có tới nửa triệu người Afghanistan có thể tìm cách rời khỏi đất nước.
Ngoài ra, mặc dù Taliban hiện đã chiếm được quyền kiểm soát Afghanistan, nhưng các mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn chưa chấm dứt. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch sơ tán, IS đã tấn công sân bay Kabul, khiến hơn 100 người thiệt mạng, gồm cả trẻ em và lính Mỹ. Theo RTE, mối đe dọa khủng bố từ IS vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng, và Taliban lúc này có trách nhiệm bảo vệ người dân Afghanistan khỏi các cuộc tấn công nói trên.