Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, Thủ tướng khẳng định: “Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”. Chiều 1.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp, làm việc với hơn 70 nhà khoa học; các giáo sư, bác sĩ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế. Các nhà khoa học cho rằng, cần hết sức bình tĩnh, không nóng vội trong công tác phòng chống dịch. Việc thay đổi chiến lược điều trị, lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài” trong bối cảnh số ca mắc tăng cao đã bắt đầu phát huy hiệu quả trong những ngày qua. Thủ tướng nêu rõ, các biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách tại một số địa phương đang gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân. “Cần chuyển đổi chiến lược thích ứng với tình hình. Chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) tiêm vắc xin Covid-19, khám bệnh, phát thuốc tại nhà dân. Sáng 2.9, Bệnh viện Lê Văn Thịnh làm lễ ra quân công tác khám, điều trị bệnh nền và tiêm vắc xin Covid-19 tại nhà cho người dân. Theo đó, mỗi ngày, Bệnh viện Lê Văn Thịnh có 3 đội đi khám tại nhà dân trên địa bàn TP.Thủ Đức. Mỗi đội gồm 6 người, trong đó có 1 bác sĩ, có nhiệm vụ khám bệnh cho người có bệnh nền, người cao tuổi không đi lại được, cấp thuốc, xét nghiệm và tiêm vắc xin Covid-19. Đặc biệt, các đội còn khám thai cho phụ nữ đang mang thai nhưng không đi bệnh viện khám được. Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, do địa bàn TP.Thủ Đức rộng, các đội phải di chuyển xa nên dự kiến mỗi đội sẽ khám 20 - 25 bệnh nhân/ngày, tất cả đều miễn phí. Bệnh nhân có đủ yếu tố để khám bệnh tại nhà do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách, đăng ký trên fanpage của bệnh viện hoặc tại phường.
Sáng 2.9, Bình Dương đồng loạt triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell cho người dân trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 118.228 ca dương tính Covid-19. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết Vero Cell là một trong những vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận trên toàn cầu và Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo ông Chương, vắc xin Vero Cell có tác dụng tương đối cao trong phòng chống dịch, có thể chống nhiễm và hạn chế tử vong đạt 100% và đạt 60% phòng chống Covid-19 biến chủng Delta. Trong sáng 2.9, ông Chương cho biết công tác triển khai tiêm 23.000 liều vắc xin Vero Cell (do Sinopharm sản xuất) trên địa bàn Bình Dương đến nay khá an toàn, các trường hợp ghi nhận phản ứng phụ rất thấp.
Mẹ bỉm sữa Bình Dương tiêm vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19: “Có là em chích à” |
Công nhân Changshin ở Đồng Nai đăng ký tiêm vắc xin Sinopharm vượt số lượng được phân bổ. Ngày 2.9, ngành y tế Đồng Nai tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân Công ty Changshin (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu). Công ty được phân bổ 5.000 liều vắc xin Sinopharm, tiêm mũi 1 trong 2 ngày 2 và 3.9. Theo ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin, số lượng công nhân đăng ký tiêm vắc xin tính đến thời điểm hiện tại vượt quá số lượng vắc xin được phân bổ, cụ thể là gần 6.000 công nhân đăng ký. Số vắc xin Sinopharm mà Công ty Changshin tiêm cho công nhân nằm trong số 500.000 liều Đồng Nai mượn từ TP.HCM. Trước đó (từ ngày 9.8 đến 13.8), ngành y tế Đồng Nai đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 (AstraZeneca) cho gần 8.500 công nhân Công ty Changshin. Đây là một trong những doanh nghiệp có số lượng công nhân đông nhất ở Đồng Nai, trên 42.000 người.
Ổ dịch tại đám tang ở Thanh Hóa thêm 9 ca. Sáng 2.9, thông tin từ UBND H.Nga Sơn cho biết, huyện này vừa ghi nhận thêm 9 ca nhiễm Covid-19, đều liên quan đến đám tang ở tiểu khu Long Khang (TT.Nga Sơn, H.Nga Sơn). Cả 9 bệnh nhân mới ghi nhận đều ngụ tại tiểu khu Long Khang, đều là người thân trong gia đình người mất, hoặc người dự đám tang. Như vậy, tính từ ngày 30.8 đến sáng 2.9, tại H.Nga Sơn ghi nhận tổng cộng 20 người nhiễm Covid-19 đều liên quan đến ổ dịch là đám tang này. Nguồn lây của ổ dịch đám tang trên xuất phát từ bệnh nhân nữ (61 tuổi, ngụ tại tiểu khu Long Khang) đi chăm sóc chồng tại phòng 303, khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (ổ dịch tại bệnh viện được phát hiện vào ngày 29.8) và bị nhiễm bệnh. Đến ngày 26.8, chồng bệnh nhân mất, đám tang được tổ chức tại nhà. Trong quá trình tổ chức đám tang, có nhiều người ở nhiều địa phương tham gia.
Người dân TP.HCM tải ứng dụng An sinh để yêu cầu cứu trợ thực phẩm, y tế. Cụ thể, ứng dụng An sinh của Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm an sinh TP.HCM) sẽ đóng vai trò cầu nối trực tiếp của người dân tới Trung tâm.
Người dân TP.HCM tải ứng dụng ‘Hỗ trợ an sinh’ để yêu cầu cứu trợ trong dịch Covid-19 |
Thông qua ứng dụng, người dân sẽ trực tiếp gửi các yêu cầu cấp bách của mình để nhận được hỗ trợ, gồm: yêu cầu cứu trợ nhu yếu phẩm; yêu cầu hỗ trợ y tế khi cần xe cấp cứu, bình ô xy, thuốc men, các thiết bị y tế phục vụ chống dịch Covid-19; yêu cầu cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, ứng dụng An sinh có tính năng SafeID (lite), người dùng có thể cập nhật thông tin an toàn bản thân và quản lý lịch sử tiếp xúc và các rủi ro liên quan đến Covid-19 theo thời gian thực. Người dân TP.HCM từ ngày 1.9 có thể tải ứng dụng này tại Google Play (website: https://bit.ly/appansinh). Bản iOS dành cho điện thoại iPhone sẽ được Trung tâm cập nhật trong vài ngày tới.