Từ những năm 1920, các kỹ sư của hãng General Motors đã biết được rằng việc pha thêm chì vào xăng ô tô sẽ giúp gia tăng một chút sức mạnh cho động cơ – nhưng đồng thời cũng tạo ra các thảm họa to lớn cho môi trường và sức khỏe con người. Trong nhiều thập kỷ sau đó, xăng pha chì đã làm ô nhiễm không khí, đất, nước uống, các loại cây lương thực và máu của hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em. Điều này dẫn tới việc thứ nhiên liệu này dần dần bị loại bỏ ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Thế nhưng phải đến tận bây giờ việc sử dụng xăng pha chì mới chính thức kết thúc trên toàn thế giới khi theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Algeria, quốc gia cuối cùng trên thế giới đã ngừng sản xuất xăng pha chì và làm cạn kiệt nguồn cung của loại nhiên liệu này.
Việc chính thức chấm dứt sử dụng xăng pha chì cũng đánh dấu việc hoàn tất chiến dịch kéo dài 19 năm UNEP nhằm loại bỏ chì trong xăng dầu – nhằm ngăn chặn sớm 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm do liên quan đến chì.
Theo UNEP, vào những năm 1970, gần như toàn bộ xăng được sản xuất trên thế giới đều được pha chì. Thông qua một hợp chất là Chì TetraEthyl, nó được pha vào xăng dầu nhằm cải thiện quá trình đốt cháy và giảm hiện tượng "nổ lọc xọc" trong động cơ đốt trong. Ngày nay, ethanol đang được sử dụng để thay thế cho chì, nhưng vào thời điểm đó, các công ty dầu mỏ và ô tô không muốn dùng Ethanol bởi vì họ có ít quyền kiểm soát đối với quá trình sản xuất nó.
Tuy nhiên, bằng chứng về tác hại của xăng pha chì cũng sớm xuất hiện và ngày một nhiều hơn. Nó liên quan đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim, đột quỵ và ung thư, cản trở sự phát triển của não bộ - đặc biệt là ở trẻ em. Một số giả thuyết còn cho rằng, xăng pha chì có liên quan đến sự gia tăng tội phạm, bởi vì việc phơi nhiễm chì dẫn đến các vấn đề về hành vi.
Theo UNEP, việc chấm dứt sản xuất xăng pha chì sẽ dẫn đến giảm 58 triệu tội phạm mỗi năm, tiết kiệm được 2,45 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu – số tiền đó có thể dành cho y tế, bảo hiểm, phúc lợi xã hội.
Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, các nước bắt đầu cấm xăng pha chì. Mỹ còn luật hóa việc này vào năm 1996 với Đạo luật Không khí sạch, cho dù vậy, xăng pha chì vẫn có thể được sử dụng cho các mục đích sử dụng ngoài đường giao thông, bao gồm "máy bay, xe đua, thiết bị nông nghiệp và động cơ hàng hải". Ấn Độ loại bỏ hoàn toàn loại xăng pha chì vào năm 2000. Năm 2002, UNEP bắt đầu phát động chiến dịch nhằm loại bỏ hoàn toàn loại nhiên liệu ô nhiễm này trên toàn thế giới và cho đến giờ, nó mới chính thức kết thúc.
"Một cách ngắn gọn, nhiên liệu pha chì minh họa cho một sai lầm mà nhân loại đã và đang mắc phải ở mọi cấp độ trong xã hội. Loại sai lầm này đã gây ra 3 cuộc khủng hoảng cấp độ hành tinh, bao gồm thay đổi khí hậu, đánh mất tự nhiên và đa dạng sinh học, gây ô nhiễm và đổ chất thải xuống đầu chúng ta." Bà Inger Andersen, giám đốc điều hành UNEP cho biết trong tuyên bố chấm dứt sử dụng xăng pha chì vào thứ Hai vừa qua.
Theo UNEP, bước tiếp theo của chiến dịch này là giải quyết lượng khí thải CO2 phát thải ra từ các phương tiện vận tải và loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngay cả khi không có xăng pha chì, các phương tiện giao thông trên toàn thế giới đang góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng khí hậu và ước tính sẽ có khoảng 1,2 phương tiện mới tham gia giao thông trong những thập kỷ tới – phần nhiều trong số chúng vẫn đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp mối quan tâm ngày càng tăng về xe điện.
Cho dù việc chấm dứt toàn bộ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch dường như là điều bất khả thi nhưng việc loại bỏ hoàn toàn xăng pha chì, một trong những nguồn nhiên liệu từng thống trị thế giới, cho thấy tiềm năng về một tương lai tươi sáng hơn nếu chúng ta thực sự quyết tâm với cam kết đó.
Tham khảo Fastcompany
Nguyễn Hải
Pháp luật và bạn đọc