Người dân qua chốt kiểm soát trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
TP.HCM phải có văn bản chỉ đạo, quán triệt đến tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức về tổ chức hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, tối ưu hóa nhân lực lấy mẫu để chi viện cho các khu cách ly, cơ sở điều trị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Các F0 được ngành y tế cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia, thuộc diện quản lý chặt của địa phương. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã có F0 di chuyển ngoài đường, xuất hiện tại các điểm tiêm chủng làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mới đây, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát trong nội thành TP.HCM đã phát hiện có đến 30 người mắc COVID-19 (F0) di chuyển ngoài đường ngay trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt, thậm chí có người di chuyển nhiều lần qua các chốt trước khi bị phát hiện.
Ngày 2-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM - cho biết trong 30 F0 nói trên, có 10 người thuộc diện được cấp giấy đi đường, còn lại là tự đi khám bệnh, đi tiêm ngừa, đi đến điểm cách ly, shipper, y bác sĩ...
Hiện tại, 8 người đã được đưa đi cách ly tập trung, 2 người đã khỏi bệnh, 1 trường hợp chưa xác minh được, còn lại đang cách ly tại nhà. Riêng 10 người được cấp giấy đi đường đã bị cơ quan chức năng thu hồi.
Cũng theo ông Hà, thông tin F0 được Sở Y tế TP cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi khai báo y tế qua phần mềm di chuyển nội địa, thông tin của người dân được hiển thị để cán bộ tại chốt kiểm tra.
"Nếu phát hiện F0, lực lượng tại chốt sẽ báo về địa phương nơi F0 sinh sống để thực hiện các biện pháp cách ly y tế, xem người này đi ra đường làm gì, nếu có giấy đi đường thì thu hồi ngay và thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý F0 tại địa phương" - ông Hà giải thích.
Về quy trình giám sát F0, bà Nguyễn Thị Lan Anh - chủ tịch UBND phường 3, quận 3 - cho biết khi có trường hợp F0, qua xét nghiệm tầm soát hoặc người dân tự test nhanh, phường thông báo cho trung tâm y tế và trạm y tế lưu động của phường đến thu thập thông tin về triệu chứng, bệnh sử để quyết định theo dõi và điều trị tại nhà hay cần chuyển tới bệnh viện.
Nếu F0 có bệnh nền và không đủ điều kiện cách ly tại nhà, phường sẽ lập danh sách F0 chuyển lên bệnh viện cấp quận. Nếu gia đình có điều kiện, F0 dưới 65 tuổi và ít bệnh nền thì cho cách ly, điều trị tại nhà. Phường có "sổ bệnh nhân" từng F0 để hằng ngày thu thập diễn biến thông tin bệnh nhằm có hướng điều trị phù hợp.
"Trạm y tế phường có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, trạm y tế lưu động cũng có 1 bác sĩ quân y và 2 sinh viên y khoa năm thứ 5. Các nhân sự này được chia thành 2 nhóm để điều trị F0 tại nhà, nhóm 1 chuyên trị cho người lớn tuổi có bệnh nền, nhóm 2 chuyên trị những F0 dưới 65 tuổi có triệu chứng nhẹ" - bà Lan Anh cho biết.
Cũng theo bà Lan Anh, theo nguyên tắc F0 không đi ra ngoài và không được tiếp xúc với người ngoài. Những nơi có F0 đều được giăng dây và đặt biển cảnh báo, đồng thời cử lực lượng chức năng túc trực thường xuyên để đảm bảo F0 không đi ra ngoài cộng đồng và cũng góp phần hạn chế người ra vào, tiếp xúc với F0.
Hằng tuần, đoàn viên thanh niên phường, bộ đội sẽ mang túi an sinh là các nhu yếu phẩm đến tận nhà để hỗ trợ F0. Chỉ các trường hợp F0 lớn tuổi trở nặng, vượt quá khả năng, phường sẽ liên hệ các tuyến thu dung điều trị để nhanh chóng chuyển người bệnh vào.
TTO - Công an TP.HCM cho biết từ ngày 23-8 đến nay, qua khai báo 'di chuyển nội địa', các chốt phát hiện 30 F0 ra đường. Vậy khi F0 đến chốt, cách nào các chiến sĩ trực chốt phát hiện được? Và F0 bị xử lý ra sao?
Xem thêm: mth.64554628030901202-gnoud-ar-0f-ed-oh-ek-tib/nv.ertiout