Các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Bình Thuận, Vĩnh Long, Long An… đang tìm mọi phương án để tiêu thụ hàng chục ngàn tấn chuối, thanh long, chanh, khoai lang... Đây là những cây trồng chủ lực của địa phương phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (TQ) nhưng nay gặp khó khi thị trường này siết chặt việc kiểm soát.
Nhiều nông sản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc
Từ giữa tháng 7, do lo ngại dịch COVID-19, Sở Thương mại Vân Nam (TQ) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới. Vì vậy, đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây nông sản khác của Việt Nam cơ bản không thể xuất khẩu đi TQ qua các cửa khẩu này.
Theo báo cáo của Tổ công tác 4340 thuộc Bộ NN&PTNT, việc TQ tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến riêng tại tỉnh Lai Châu đang bị tồn đọng khoảng 3.000 tấn chuối. Tương tự, tại tỉnh Lào Cai, dự kiến trong tháng 9 thu hoạch 2.000 tấn chuối tiêu xanh và từ nay đến cuối năm thu hoạch hơn 17.000 tấn. Thế nhưng hiện tại phía TQ đang tạm ngừng nhập khẩu chuối nên tỉnh này lo ngại sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cho biết: “Hằng năm, mặt hàng chuối tiêu xanh có đến 90% là xuất khẩu sang TQ. Do vậy, khi thị trường này tạm ngừng nhập khẩu nông sản thì không riêng gì Lào Cai, nhiều mặt hàng nông sản ở các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng”.
Với tỉnh Vĩnh Long, địa phương này cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị phân phối vào cuộc, chung tay hỗ trợ tiêu thụ cho khoảng 20.000 tấn khoai lang tím đang vào vụ thu hoạch. Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, thông tin từ trước đến nay khoai lang được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường TQ.
Chính sách biên mậu của TQ liên tục thay đổi khiến việc xuất khẩu nông sản như khoai lang, thanh long, chuối… chịu nhiều ảnh hưởng. Trong ảnh: Thu hoạch khoai lang ở Vĩnh Long. Ảnh: HẢI DƯƠNG
“Hiện nay TQ không cho xuất khẩu tiểu ngạch với mặt hàng này nữa mà yêu cầu phải xuất khẩu chính ngạch. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc với phía nước bạn nhưng do dịch COVID-19 nên thủ tục này đến nay vẫn chưa xong” - ông Dãnh thông tin.
Đối với mặt hàng thanh long, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho hay khi TQ tạm ngừng nhập khẩu vào giữa tháng 7 đã gây nhiều khó khăn cho bà con. Để tháo gỡ, sở đã thông tin cho tất cả địa phương có nhu cầu sử dụng thanh long trong nước đề nghị hỗ trợ.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng rất khó khăn vì một số tỉnh vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thông thương hàng hóa không dễ. Điều này dẫn đến sản lượng xuất khẩu thanh long giảm đến 70% so với bình thường.
Hàng loạt mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng… cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Đụng hàng với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá hầu như năm nào đến mùa vụ thu hoạch cũng xảy ra tình trạng nông sản gặp khó khăn, khó xuất khẩu sang TQ. Riêng năm nay khó khăn hơn do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, chuối và thanh long nước ta đang trùng mùa vụ với TQ. Do vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên họ kiểm soát chặt việc nhập khẩu.
“Vì không biết có xuất khẩu được không nên nhiều thành viên trong hiệp hội không dám trữ thanh long tươi trong kho của mình. Chỉ có những công ty chế biến, tận dụng thời điểm này, khi giá nguyên liệu thanh long xuống thấp thì đẩy mạnh thu mua để trữ trong kho, phục vụ mục đích chế biến như sấy dẻo, đóng lon... rồi tìm cách tiêu thụ dần” - ông Nguyên thông tin thêm.
Trước tình hình khó khăn như trên, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết mới đây, TQ cho nhập khẩu thanh long trở lại nhưng họ lại tăng cường các biện pháp phòng dịch. Cạnh đó, chi phí xe container lạnh tăng rất cao. Ví dụ, hiện một container 40 feed, trước đây bình quân 70-80 triệu đồng thì nay tăng lên hơn 100 triệu đồng/chiều.
“Ngày xưa xe của mình tới cửa khẩu rồi chở hàng qua bên kia luôn, bỏ hàng xuống rồi mới quay về. Bây giờ tới cửa khẩu thì phải đổi tài xế, cho tài xế TQ lên xe của mình lái sang bên kia, dỡ hàng xuống rồi lái trả lại xe. Vấn đề là tài xế TQ họ lái xe của mình không cẩn thận nên thi thoảng cũng xảy ra sự cố” - bà Lệ thông tin.
Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cũng cho hay đã liên lạc với một số siêu thị và một số địa phương để tìm cách tiêu thụ chuối tiêu xanh nhưng vẫn rất khó. “Chúng tôi đang cố gắng ở mức cao nhất, cả báo cáo Bộ Công Thương và phối hợp với các đơn vị của bộ này.
Họ đang giúp nhưng việc xuất khẩu sang thị trường mới cần chương trình dài hơi, còn vụ chuối đang cần giải quyết sát nút này thì hơi khó. Sau cùng, vẫn phải trông chờ nhiều vào thị trường TQ vì đây là bạn hàng lâu năm và thường xuyên” - ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, chia sẻ.
Cũng theo ông Hiền, sau khi trao đổi với phía cửa khẩu Hà Khẩu (TQ), hai ngày trở lại đây, việc xuất khẩu chuối sang TQ bắt đầu hoạt động trở lại. Song sản lượng xuất được chưa nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ xuất được khoảng 200 tấn.
Khó nhất là chính sách biên mậu Trung Quốc hay thay đổi Bộ Công Thương cho biết trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây nông sản khác của Việt Nam cơ bản không thể xuất khẩu đi TQ qua nhiều cửa khẩu. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam của TQ qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày. Để tháo gỡ tiêu thụ cho hàng nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi bộ trưởng Bộ Thương mại TQ và tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (TQ) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng chỉ cần cơ quan chức năng cửa khẩu và doanh nghiệp hai bên tiếp tục tuân thủ nghiêm quy trình thông quan hàng hóa, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối như hơn một năm qua. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu nông sản sang TQ là việc chính sách biên mậu của nước này thường có sự thay đổi. |