Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, trường hợp đã xác định là đất bị lấn chiếm thì PV Oil buộc phải trả lại phần đất đai đã lấn chiếm đó và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa đất.
Như Lao Động đã thông tin, ngày 17.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam đã ký quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình (PV OIL Thái Bình, mã chứng khoán POB - UPCOM) vì hành vi chiếm đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thủy sản) tại khu vực đô thị với diện tích từ 0,1ha đến dưới 0,5ha đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.
Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều bạn đọc băn khoăn: “Đi cùng với việc xử phạt hành chính thì khu đất mà PV OIL Thái Bình tự ý lấn chiếm và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ được xử lý thế nào? Có bị thu hồi không?”
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, việc xử phạt PV Oil Thái Bình dựa trên quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Trường hợp đã xác định là đất bị lấn chiếm thì ngoài việc bị xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức buộc phải trả lại phần đất đai đã lấn chiếm đó và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa đất.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, không có bất cứ quy định nào trong hệ thống pháp luật đất đai nước ta có định nghĩa hay nêu về cụm từ: “hợp thức hoá đất lấn chiếm”.
Tuy nhiên, phía công ty PV OIL Thái Bình có thể liên hệ với người chủ sử dụng của thửa đất bị lấn chiếm để mua lại phần đất đã lấn chiếm đó hoặc nếu đất đó thuộc sự quản lý của UBND cấp xã thì cũng có thể thực hiện việc xin đất, thuê đất công để kinh doanh xăng dầu. Khi đã mua/ thuê hoặc được giao phần đất đó thì PV OIL Thái Bình có thể tiếp tục sử dụng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất tăng thêm đó theo đúng mục đích của thửa đất.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 52; Điểm d, Khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai 2013, theo đó việc chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khi đã phù hợp với quy hoạch thì PV OIL Thái Bình có thể thực hiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau đó nộp tiền sử dụng đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất,...
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết chỉ khi thực hiện đầy đủ cả hai việc mua lại/ xin giao hoặc thuê đất và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật thì PV OIL Thái Bình mới có thể tiếp tục sử dụng phần đất đó một cách hợp pháp.
Trước đó, UBND tỉnh Hưng Yên giao cho ông Quách Văn Sơn - Giám đốc kiêm người đại diện của Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá 10 ngày không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quyết định xử phạt của UBND tỉnh Hưng Yên không đề cập tới việc buộc PV OIL phải trả lại phần đất đai đã lấn chiếm và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa đất.
Xem thêm: odl.516849-tahp-pon-ihk-uas-meihc-nal-tad-cuht-poh-eht-oc-hnib-iaht-lio-vp-ueil/et-hnik/nv.gnodoal