Tại hội thảo "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" do Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức sáng 3/9 dưới hình thức trực tuyến, VAMA đã đề xuất 3 kịch bản lộ trình cho xe điện hóa tại Việt Nam.
Ông Đào Công Quyết, đại diện VAMA cho biết, cơ sở hạ tầng dành cho xe điện của Việt Nam chưa thể sớm sẵn sàng do chưa có trạm sạc, dù là công cộng hay tư nhân; tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều; hầu hết các gia đình ở Việt Nam không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà trong khuôn viên của nhà mình trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện.
Trạm sạc của VinFast. (Ảnh: Báo Tin tức)
Đặc biệt, việc chuyển từ sản xuất xe động cơ đốt trong sang sản xuất xe điện chạy pin sẽ dẫn đến việc giải thể các phân khúc lỗi thời và phát triển các phân khúc mới. Do đó, cần phải có một giai đoạn chuyển đổi và các dòng xe điện hóa và xe có phát thải carbon thấp nên được phát triển trong giai đoạn đó...
Dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển và thực tế tại Việt Nam, VAMA đề xuất 3 kịch bản lộ trình cho xe điện hóa tại Việt Nam lần lượt là kịch bản nhanh, trung bình và cơ bản.
Cụ thể, kịch bản nhanh tương tự Thái Lan đang áp dụng là bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 đến khi đạt 100% xe điện hóa năm 2035. Kịch bản trung bình bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 đến khi đạt 100% xe điện hóa năm 2045. Kịch bản cơ bản mà Indonesia đang áp dụng là bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hóa năm 2050.
Đối với Việt Nam, thời điểm "vàng" sẽ vào năm 2045 đúng vào thời điểm 100 năm thành lập nước và cũng là mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước trung hòa các bon vào năm 2050.
Với tổng dung lượng thị trường ô tô tại Việt Nam đạt 416.000 xe hiện nay, VAMA đề xuất lộ trình phát triển xe điện hóa theo từng giai đoạn. Từ 2021 - 2030 là giai đoạn khởi đầu và sẽ đạt mức cơ giới hóa vào năm 2028 xấp xỉ 1 triệu xe các loại và xe động cơ đốt trong vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lượng xe điện hóa sẽ tăng dần lên.
Giai đoạn 2 từ 2030 - 2040 là tăng trưởng nhanh, lượng xe điện hóa sẽ đạt 100%, tương đương 3,5 triệu xe. Giai đoạn 3 từ 2040 - 2050 là tăng trưởng ổn định, sau là bão hòa ở mức 4 triệu đến 4,5 triệu xe.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, VAMA đề xuất ở giai đoạn đầu từ 2021 - 2030 để khuyến khích nhu cầu thị trường cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hài hòa cho các loại xe điện khí hóa để phát triển thị trường; đồng thời giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe HEV, 70% cho xe PHEV và 100% cho xe BEV và hỗ trợ cho khách hàng về phí đỗ xe, thuế môi trường...; trạm sạc cũng cần có các quy định và tiêu chuẩn; sản xuất cũng cần hỗ trợ xây dựng nhà máy và hỗ trợ cho đầu tư vào nghiên cứu, phát triển.
Bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh từ 2030 - 2040, lệ phí trước bạ 30% cho HEV, 50% cho PHEV và 70% cho BEV; hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm sạc nhanh; hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất các loại xe điện khí hóa.
Khi đến giai đoạn tăng trưởng ổn định từ 2040 - 2050, ưu đãi thuế TTĐB và giảm 50% lệ phí trước bạ xe BEV so với xe xăng; tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất và hoạt động của các trạm sạc nhanh.
VTV.vn - Bộ Tài chính đưa ra 3 giải pháp về điều chỉnh, thay đổi phí trước bạ xe điện để đánh giá tác động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!