Giá phân bón tăng “phi mã” từ nửa cuối năm 2020 đến nay đã khiến giá thành sản xuất nông nghiệp tăng cao, nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Giá phân bón tiếp tục tăng cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), giá phân bón hiện nay tăng cao so với đầu năm 2021, trong đó, phân đạm Cà Mau đã tăng 72%, từ mức 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg; phân DAP Đình Vũ tăng 67,3%, từ mức 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg; phân NPK Bình Điền tăng 24,3%, loại NPK 16-16-8+13S từ mức 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg…
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phùng Hà – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón tăng phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào như khí amoniac, than, lưu huỳnh, axit sunphuric, quặng apatit, chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác tăng. Trong hơn nửa đầu năm 2021, các nguyên liệu nêu trên đồng loạt tăng từ 105%-133%. Ðặc biệt, giá lưu huỳnh tăng tới gần 150%; giá axit sunphuric tăng 130-140%; giá amoniac tăng gần gấp 2 lần. Giá quặng apatit trong nước cũng tăng gần 8% và nguồn cung ngày càng giảm dần.
“Cùng với giá nguyên liệu tăng cao, giá dầu và giá container rỗng cũng tăng do khan hiếm, cước tàu biển tăng cao… cũng khiến giá đầu vào sản xuất phân bón tăng, đẩy giá phân bón trong nước tăng cao” – ông Phùng Hà cho biết thêm.
Ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng cho rằng, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà phải chịu sự chi phối của giá phân bón trên thị trường thế giới.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, bên cạnh giá vật tư đầu vào tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm trong nước, do phải chịu tác động của hàng loạt dịch vụ đi kèm như logistics, nhân công, tỉ giá ngoại tệ...
Những giải pháp cấp bách để bình ổn giá
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 800 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón (trong đó có 576 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón vô cơ và 26 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ). Tổng công suất thiết kế của tất cả các cơ sở này là hơn 32 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu số lượng cho thấy, Việt Nam chủ yếu có các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ (phân bón hóa học), có khả năng sản xuất được phân urea, phân bón chứa lân (supe lân, lân nung chảy), phân 2 thành phần DAP, MAP, phân đa lượng NPK và phân bón kali (MOP)…; nhưng phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh có tỉ lệ rất thấp, chỉ 26 nhà máy, cơ sở, nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước trong giai đoạn chuyển đổi, tái cơ cấu hiện nay.
“Mỗi năm chúng ta phải nhập gần 1 triệu tấn kali, sunphat amon, clorua amon,… Mặc dù thống kê cho thấy cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, nhưng đây chỉ là công suất thiết kế, còn thực tế năng lực sản xuất không đạt nhu cầu” – ông Phùng Hà thông tin.
Để bình ổn giá phân bón, theo ông Phùng Hà, Nhà nước và các bộ, ngành cần hỗ trợ để các nhà máy đẩy mạnh năng lực sản xuất. Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn sản xuất, do đó cần tiếp tục giảm tối đa các thủ tục vay vốn sản xuất cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ khác.
“Cần giảm 50% các thủ tục hành chính trong quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi sớm Luật Thuế 71, theo hướng chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT 5%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, các địa phương tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hoá nói chung, phân bón nói riêng. Đặc biệt, hiện nay phân bón trong nước bị ùn ứ không tiêu thụ được, đề nghị cho phép các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu” – ông Phùng Hà nêu ý kiến.