Người phát ngôn lực lượng Taliban, ông Zabiullah Mujahid hôm 3-9 thông báo sẽ công bố chính phủ Afghanistan mới trong ngày 4-9, muộn hơn một ngày so với dự kiến ban đầu, hãng thông tấn Press Trust of India (PTI) đưa tin.
Lãnh đạo ủy ban thông tin và văn hóa của Taliban, ông Inamullah Samangani cho biết “việc tham vấn về chính phủ mới gần như đã hoàn tất và các cuộc thảo luận cần thiết về nội các cũng đã được tổ chức”.
Cùng ngày, một số nguồn tin cho biết Giáo sĩ (Mullah) Abdul Ghani Baradar nhiều khả năng sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ mới, trong đó lãnh tụ Hồi giáo sẽ có vai trò lớn, tương tự mô hình của Iran. Tại Iran, lãnh tụ tối cao là nhân vật có quyền lực tôn giáo và chính trị cao nhất cả nước, trên cả tổng thống và là người bổ nhiệm lãnh đạo quân đội, chính phủ và cơ quan tư pháp.
Các lãnh đạo Taliban trong hội nghị hòa bình Afghanistan tại Nga hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS
Lãnh tụ tôn giáo của Taliban, Mullah Hebatullah Akhundzada nhiều khả năng sẽ nắm quyền tối cao trong mô hình chính quyền mới. Ông Samangani nói: “Mullah Akhunzada sẽ là người lãnh đạo chính phủ và không nên nghi ngờ gì về điều này”.
Ông Sanmangani còn cho biết trong chính quyền mới, các thống đốc tỉnh và thống đốc huyện sẽ lãnh đạo các cấp địa phương tương ứng. Taliban đã bổ nhiệm thống đốc, cảnh sát trưởng và chỉ huy cảnh sát tại các tỉnh và các huyện, trong khi quốc hiệu, quốc kỳ và quốc ca vẫn chưa được thống nhất.
Taliban từng tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ “bao trùm”, cho phép cả những người không thuộc Taliban và phụ nữ tham gia lãnh đạo đất nước. Nếu không giữ được lời hứa này, Taliban có thể còn gặp thêm khó khăn nếu muốn thuyết phục các nước công nhận vai trò lãnh đạo tại Afghanistan.