vĐồng tin tức tài chính 365

Cưỡng chế cách ly người từ chối test COVID-19, nên không?

2021-09-04 09:24

Một người ở phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau không cho lấy dịch xét nghiệm COVID-19 đã bị cưỡng chế cách ly tập trung. Nhiều tài xế cũng cho rằng bị địa phương này đưa đi cách ly oan, không thuyết phục và chưa đúng quy định hiện hành.

Không cho chọc mũi nên bị cưỡng chế cách ly

Chiều 1-9, chủ tịch UBND phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau ký quyết định cưỡng chế cách ly tập trung đối với ông Trần Tô Ân Châu (sinh năm 1972, cư ngụ khóm 3, phường 1) với lý do ông không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc COVID-19 trong cộng đồng.

Cán bộ y tế và công an đã đến nhà khiêng ông Châu đi khi ông đang nằm trên ghế dựa. Ông Châu la lối, kêu bị gãy tay. Việc cưỡng chế đã diễn ra thành công, ông Châu được đưa lên xe công vụ an toàn.

Cưỡng chế cách ly người từ chối test COVID-19, nên không? - ảnh 1
Cưỡng chế ông Trần Tô Ân Châu đi cách ly tập trung do ông không hợp tác
lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo ông Châu, việc cách ly phải được thực hiện đúng đối tượng, đó là những F0, F1…, còn đây ông là người bình thường, chưa phải là F nào nên đưa ông đi cách ly là không thuyết phục.

“Hành vi không hợp tác lấy mẫu test COVID-19 là hành vi vi phạm hành chính, sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020. Tuy nhiên, điều khoản này không quy định hình thức phạt bổ sung hay buộc khắc phục hậu quả như cách ly y tế tập trung…” - ông Châu nói.

Để làm rõ các phản ánh của người dân, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ bà Nguyễn Thị Loan Em, Chủ tịch UBND phường 1, TP Cà Mau. Trao đổi với PV qua điện thoại trưa 2-9, bà Loan Em nói sẽ xem lại hồ sơ, sau đó cho biết cụ thể đã áp dụng quy định nào cưỡng chế cách ly đối với ông Châu.

Cùng ngày, PV trao đổi với ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, về trường hợp của ông Châu. Qua điện thoại, ông Hải khẳng định tỉnh Cà Mau thời gian qua cũng như hiện nay áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có cao hơn quy định chung. Đó là chỉ đạo chung của lãnh đạo cơ quan chống dịch tỉnh này.

Vì sao người dân chưa phục?

ThS Võ Phước Long, Trưởng bộ môn Pháp luật đại cương, Khoa luật, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá: Tâm lý chung, khi nhận được những điều tốt đẹp từ chính quyền thì người dân ít quan tâm đến quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi người dân cảm thấy lợi ích của mình bị xâm hại thì họ sẽ quan tâm đến chuẩn mực hành xử của chính quyền có dựa trên quy định pháp luật hay không.

Theo ThS Võ Phước Long, việc ông Trần Tô Ân Châu ở Cà Mau không chấp hành chiến dịch tầm soát COVID-19 mà bị cưỡng chế đưa đi cách ly tập trung, chúng ta không thể vội vàng kết luận người dân thiếu ý thức, không vì cộng đồng, không tuân thủ pháp luật, cần bị xử lý nghiêm. Bởi với nhiều người dân, luật pháp phải căn cứ vào sự hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn. Họ cho rằng mình không phải F1, F0, hoàn toàn không có nguy cơ gây hại cho cộng đồng nên không hợp lý nếu bắt buộc họ phải làm xét nghiệm này, đi cách ly nọ. Đó là chưa nói không ít người nghĩ rằng mình đã tuân thủ nghiêm quy định 5K, không tiếp xúc, gần gũi với ai, nay nếu tiếp xúc gần với người lấy mẫu xét nghiệm thì có khả năng dễ bị lây nhiễm COVID-19. Thực tế, điều này không phải chưa từng xảy ra…

Tóm lại, việc đưa một người không chịu xét nghiệm đi cách ly y tế tập trung liệu rằng đã hợp lý, hợp tình? Liệu việc cách ly ấy có làm an toàn hơn cho chính bản thân người đó và cộng đồng hay nó dễ tiềm ẩn khả năng ngược lại? Đấy cũng là điều người thực thi công vụ cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định.

 

Cần “vaccine” pháp luật hợp lý, hợp tình

Tôi cho rằng thứ nhất, pháp luật về phòng chống dịch bệnh của chúng ta hiện hành nhấn mạnh quyền lực của chính quyền khi coi trọng “tính phòng và chống COVID-19” mà thiếu đi tính chắc chắn và dễ đoán định.

Thứ hai, sự quyết tâm của một số địa phương vì trách nhiệm đã áp dụng cao hơn chuẩn mực mà trung ương yêu cầu. Những vụ việc ở Cà Mau, nếu linh hoạt hoặc có quy định cụ thể mà áp dụng biện pháp cách ly tại nhà sẽ là vừa chống dịch hiệu quả, giảm tốn kém cho nhân lực và ngân sách vừa bảo vệ quyền tự do con người - đó mới là pháp luật lý tưởng.

Chống dịch hiệu quả không thể thiếu pháp luật, khi luật pháp tốt, áp dụng tốt cũng chính là “vaccine” không chỉ loại bỏ COVID-19 mà còn mang tới cho dân chúng “vaccine” an toàn và thịnh vượng của hiện tại và mai sau.

ThS VÕ PHƯỚC LONG, Trưởng bộ môn Pháp luật đại cương, Khoa luật,
ĐH Kinh tế TP.HCM

Xem thêm: lmth.6403101-gnohk-nen-91divoc-tset-iohc-ut-iougn-yl-hcac-ehc-gnouc/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cưỡng chế cách ly người từ chối test COVID-19, nên không?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools