Chiều 3-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.
Cảnh báo làm giả, mua bán giấy đi đường
Tại buổi họp báo, liên quan đến việc kiểm soát người đi đường trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết hiện nay Công an TP.HCM đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban, ngành, quận, huyện và lập danh sách diện được lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lực lượng chức năng quét mã QR kiểm soát người dân ra đường tại chốt trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Từ cơ sở dữ liệu đó, Công an TP.HCM sẽ kiểm soát người đi đường thông qua công nghệ thông tin. Do vậy, ông đề nghị các đơn vị cung cấp danh sách để công an kiểm soát chặt chẽ, người ra đường cũng phải đăng ký và đối chiếu giữa lượng người ra đường với F0 quản lý trong cộng đồng xem có mối liên hệ nào không.
“Công an muốn sử dụng camera quét mã QR thì cần dữ liệu này. Thời gian tới, nếu các trường hợp ra đường chưa cung cấp thông tin và không có thông tin trên hệ thống có thể buộc phải quay đầu” - ông Hà nói.
Đối với tình trạng làm giả, lừa đảo, mua bán giấy đi đường, ông Hà khẳng định có tình trạng này và cho biết Công an TP.HCM đã hướng dẫn các chốt, trạm kiểm tra và sẽ dễ dàng phát hiện. “Sau khi cập nhật danh sách vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người ra đường không đúng đối tượng sẽ bị công an xử lý” - ông Hà nói và đề nghị người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo nêu trên.
Theo ông Hà, Bộ Công an và Công an TP.HCM đã điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đến các quận, huyện để đảm nhiệm nhiệm vụ ở các chốt chặn.
Đã có hơn 120.000 người xuất viện
Liên quan đến thông tin về dịch bệnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Phạm Đức Hải cho biết tính đến 18 giờ ngày 2-9, TP.HCM có 233.093 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
TP.HCM hiện điều trị cho 41.470 bệnh nhân (BN) COVID-19, trong đó có 2.915 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.779 BN nặng đang thở máy và 20 BN can thiệp ECMO.
Riêng trong ngày 2-9 có 4.172 BN xuất viện, nâng tổng số F0 xuất viện cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 120.509 người. Trong ngày cũng có 250 BN COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 9.974 ca.
Về xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 1-9 đến 18 giờ ngày 2-9, ngành y tế đã lấy 396.817 mẫu xét nghiệm, trong đó có 7.521 mẫu đơn và 7.820 mẫu gộp. Số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 322.839 mẫu.
Bản tin Bộ Y tế phát đi tối 3-9 cho hay trong 24 giờ qua, TP.HCM có 8.944 ca mắc mới.
Liên quan đến việc mời F0 khỏi bệnh tham gia công tác phòng dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay chưa có F0 khỏi bệnh nào tham gia việc hỗ trợ điều trị, chỉ có các nhân viên y tế khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc BN.
Theo ông Châu, khả năng miễn dịch của F0 khỏi bệnh là rất tốt, có thể kéo dài được sáu tháng. Do đó, TP kêu gọi F0 tình nguyện tham gia công tác điều trị bệnh. “Họ vừa hỗ trợ và còn truyền đạt những gì họ trải nghiệm để giúp BN tự tin vào việc chiến thắng dịch bệnh” - ông Châu nói và cho biết Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND TP về việc này.•
Sẽ hoàn thành bao phủ vaccine toàn dân vào cuối năm TP.HCM đã được phân bổ hơn 9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, hơn 6 triệu liều đã được tiêm, hơn 86% người trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi. Có ba quận, huyện về đích tiêm chủng 100% cho dân (quận 7, quận 11 và huyện Cần Giờ). Với bốn lộ trình vừa xây dựng, đến cuối năm nay TP.HCM sẽ hoàn thành bao phủ vaccine toàn dân. Nên phủ vaccine cho các đối tượng được ưu tiên trước khi tiêm cho học sinh Sở GD&ĐT đề nghị UBND TP.HCM có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho đối tượng học sinh từ 12 đến 18 tuổi với nguồn vaccine cho phép trong độ tuổi này trước khi kết thúc học kỳ 1. Điều này sẽ tạo điều kiện để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022. Số lượng đề xuất tiêm vaccine là 642.459 học sinh, học viên. Trao đổi về việc sớm tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng hiện tại chưa nên vội tính đến việc tiêm vaccine cho học sinh trước khi kịp bao phủ vaccine mũi 1 và mũi 2 cho tất cả đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm virus như người già, người có bệnh nền, thai phụ. Vaccine được tiêm cho độ tuổi học sinh thông thường là vaccine Pfizer thường được tiêm cho người già nên ưu tiên tiêm cho người già trước. BS Khanh cho rằng hiện nay, phải xác định bao phủ vaccine là phải đủ cho những người được ưu tiên, ưu tiên tiêm cho những người này xong thì mới bàn đến việc tiêm cho đối tượng khác. Điều này phù hợp với chiến lược giảm tử vong số ca mắc COVID-19 hiện nay. BS Khanh cũng gợi ý các hình thức tiêm vaccine phải rút gọn thủ tục và linh động hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Chẳng hạn, các nước trên thế giới còn tổ chức tiêm vaccine ở nơi gần nhà nhất, người đi siêu thị, người lái xe trên đường cũng được tiêm vaccine. Người được tiêm vaccine không cần phải đo huyết áp, người cao tuổi không cần phải tiêm trong bệnh viện. BS Khanh lưu ý TP cần rà soát tất cả đối tượng ưu tiên như trên 65 tuổi, có bệnh lý nền để tiêm hết cho họ. Nếu chẳng may virus bùng phát lại thì đây là những đối tượng dễ bị tấn công nhất. Chẳng hạn ở Mỹ, khi dịch bùng phát lại, nhiều người lớn tuổi không tiêm vaccine đã trả giá bằng tính mạng. Về việc tiêm mũi 2, BS Khanh cho rằng cần phải đẩy nhanh việc tiêm mũi 2 cho những đối tượng nguy cơ, không nên cứng nhắc phải đến thời gian tối đa tiêm nhắc của loại vaccine đó vì TP.HCM đang là vùng dịch, việc tiêm mũi 2 phải được triển khai sớm nhất có thể. |