Nổ súng cướp tiệm vàng
Theo hồ sơ vụ án, thông qua mạng xã hội, Đàm Văn Lực (sinh năm 1988, tại Vĩnh Phúc) quen biết và kết bạn với Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1993, tại Nghệ An). Khi biết Dũng có súng, Lực đã mua 1 khẩu súng ngắn với giá 13,5 triệu đồng và bán lại cho một người không rõ lai lịch với giá 15 triệu đồng.
Tháng 10/2019, Lực nhắn tin tâm sự với Dũng đang thiếu nợ, cần nhiều tiền và rủ Dũng đi cướp ngân hàng hoặc tiệm vàng. Sau đó, cả hai cùng bàn bạc xây dựng kế hoạch đi cướp tiệm vàng.
Nghĩ là làm, Lực đi tìm kiếm "con mồi" rồi báo lại cho Dũng. Sau thời gian tìm hiểu phương thức hoạt động của một số tiệm vàng ở ngoại ô TPHCM thì Lực "chốt" được mục tiêu là tiệm vàng trên đường Trần Văn Mười, huyện Hóc Môn. Dũng đồng ý cướp tiệm vàng này nhưng phải rủ thêm Y Ét AyŨn (sinh năm 1997, tại Đắk Lắk).
Đầu tháng 11/2019, Dũng mang theo 2 khẩu súng, mỗi khẩu có 6 viên đạn, chạy xe từ Đồng Nai lên TPHCM để cướp tiệm vàng. Dũng đưa Lực một khẩu súng, sau đó gắn biển số xe giả rồi chở nhau đến mục tiêu. Tuy nhiên, tiệm vàng liên tục có khách nên chúng không có cơ hội ra tay. Dũng sau đó quay về Đồng Nai.
Không từ bỏ kế hoạch, ngày 8/11/2019, Lực đi mua một cây rìu làm phương tiện gây án rồi chở Y Ét AyŨn đi một vòng tìm cơ hội vào cướp tiệm vàng nhưng vẫn không được. Cây rìu nhẹ, sợ không đập vỡ được tủ kính nên Lực đi mua cây búa đưa cho AyŨn cất giữ.
Ngày 15/11/2019, bộ đôi quay lại tiệm vàng, Lực rút súng nhằm về phía chủ tiệm vàng bắn 2 phát khiến anh này bỏ chạy vào trong. Cùng lúc AyŨn lấy búa đập vỡ tủ kính lấy 2 khay nhựa đựng vàng bỏ vào túi rồi cả hai lên xe tẩu thoát.
Hai tên cướp đến quán cà phê ở quận Bình Thạnh thay đồ, tháo biển số xe giả. Sau khi mang xe và súng trả Dũng, cả hai mang số vàng đi bán được 40 triệu đồng. Lực chia cho Dũng 6 triệu, còn lại chia cho người thân và tiêu xài cá nhân. Hơn một tuần sau, Dũng và các đồng phạm bị bắt.
Khám xét nơi ở của Dũng, cơ quan điều tra thu giữ gần 10 kg pháo nổ và một số khẩu súng thể thao kèm vỏ đạn.
Đi cướp nhưng không được chia phần
Trong vụ án này, bị cáo Y Ét AyŨn được xác định là một mắt xích quan trọng, trực tiếp hành vi cướp tài sản nhưng anh ta không được chia "chiến lợi phẩm".
Lý lịch trích ngang thể hiện Y Ét AyŨn là người dân tộc Ê đê. Anh ta là con út trong gia đình có 3 anh chị em, học hết lớp 8 thì nghỉ. Lớn lên, nam bị cáo tham gia nghĩa vụ quân sự.
Sau khi ra quân, AyŨn không có công việc ổn định nên lên TPHCM đi làm bảo vệ. Chân ướt chân ráo lên Sài Gòn được một tháng thì anh ta bị rủ rê lôi kéo thực hiện hành vi phạm tội.
Sau gần 2 năm xảy ra vụ án, các bị cáo bị đưa ra xét xử với cáo buộc cướp tài sản và tàng trữ hàng cấm.
Tại tòa, các bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Phía bị hại kiến nghị, tài sản bị mất bao gồm nhiều vòng vàng, bông tai, nhẫn... với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do vàng mua từ nhiều nguồn, thời gian đã lâu nên không lưu giữ giấy tờ. Do đó, cơ quan điều tra thu giữ được bao nhiêu, anh xin nhận lại bấy nhiêu.
Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Dũng không trực tiếp ra tay nhưng đã bàn bạc, lên kế hoạch và cung cấp công cụ, phương tiện để 2 bị cáo còn lại gây án. Dũng trực tiếp mang số vàng cướp được đi bán và cùng Lực chia nhau tiêu xài.
Đối với 2 khẩu súng trong vụ án, qua giám định không phải là vũ khí, đạn quân dụng nên không có căn cứ xử lý.
Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với từng bị cáo tòa tuyên phạt bị cáo Dũng mức án 10 năm tù về tội cướp tài sản và tàng trữ hàng cấm. Bị cáo Lực 9 năm tù và bị cáo AyŨn 7 năm tù cùng về tội cướp tài sản.
Hồng Lĩnh