Ảnh: TỰ TRUNG
Nói về kết quả bước đầu đạt được của quận 7, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái nhấn mạnh tính chủ động, linh hoạt của địa phương là rất quan trọng, quyết định hiệu quả trong phòng chống dịch.
Chủ động, linh hoạt, bảo đảm an sinh
Theo ông Thái, đoán trước những khó khăn chung của TP trong cao điểm chống dịch nên từ đầu tháng 5-2021, khi TP.HCM yêu cầu mỗi quận huyện chuẩn bị khoảng 200 giường cách ly, quận đã chủ động chuẩn bị 33 cơ sở đủ năng lực để đưa F0 ra khỏi cộng đồng; thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 1 với 600 giường bệnh, trong đó có 150 giường cấp cứu, hình thành được mô hình điều trị 2 tầng. Nhờ đó, từ ngày 23-8 đến nay số ca tử vong giảm mạnh, đặc biệt ngày 1-9 không ghi nhận ca tử vong nào.
"Chúng tôi còn có mô hình Ban chỉ huy thống nhất phòng chống dịch được quận thành lập từ 30-6, sau đó TP cũng áp dụng, triển khai mô hình thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch..." - ông Thái chia sẻ thêm.
Bên cạnh công tác xét nghiệm sàng lọc để tách F0, tiêm phủ vắc xin thì nhiệm vụ quan trọng không kém là không để người dân thiếu thốn về lương thực, nhu yếu phẩm.
Tại Củ Chi, bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi - nói rằng bảo đảm an sinh xã hội là giải pháp căn cơ mà huyện chú ý ngay từ đầu qua việc đảm bảo đi chợ thay, đảm bảo lương thực thực phẩm cho các hộ khó khăn, chi hỗ trợ... để người dân an tâm ở nhà, tuân thủ giãn cách.
Truyền thống gắn bó, đồng thuận với chính quyền của người dân cũng là một điểm mạnh được huyện phát huy nên việc xét nghiệm ở Củ Chi có thể nói là thần tốc. Chỉ trong vòng 7 ngày, Củ Chi đã xét nghiệm xong đến vòng thứ 3 ở các "vùng đỏ, cam, vàng" và vòng thứ 2 đối với "vùng xanh". Từ đó, huyện bóc tách F0 rất nhanh, đưa tất cả vào khu điều trị với tỉ lệ bệnh chuyển nặng dưới 3%.
Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng huyện cũng vận động thành lập bệnh viện dã chiến 200 giường bệnh mà không dựa vào ngân sách.
"Huyện được hỗ trợ từ 70 nhân viên Viện Y học cổ truyền Việt Nam, vận động thêm sinh viên y khoa trên địa bàn và hàng trăm giáo viên, đoàn viên được huấn luyện công tác lấy mẫu xét nghiệm nên mới đạt kết quả xét nghiệm thần tốc. Và cũng nhờ người dân đồng lòng nên huyện đã nhanh chóng đạt tỉ lệ tiêm phủ vắc xin hơn 93% mà hầu hết là vắc xin Vero Cell" - bà Hiền nói.
Lực lượng chức năng kiểm soát khu vực thiết lập và bảo vệ “vùng bình thường mới” nhằm giữ vững ổn định, không để lây lan dịch bệnh COVID-19 ở phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM, trưa 3-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Trọng tâm là phủ nhanh đủ vắc xin
Về phương hướng đến cuối tháng 9, theo bà Hiền, huyện sẽ tập trung các giải pháp giữ vững "vùng xanh", tập trung duy trì truy vết. Trọng tâm của công tác này là đề nghị các ấp, tổ nhân dân xây dựng quy chế vào "vùng xanh", trong đó tiếp tục vận động để mỗi người dân thực sự là một "chiến sĩ" vì "vùng xanh" của chính nơi mình ở, bên cạnh tiếp tục tập trung bảo đảm an sinh xã hội và tiêm phủ vắc xin.
"Hiện tỉ lệ người dân Củ Chi mắc bệnh rất thấp so với các quận huyện khác. Tuy nhiên thời gian tới khi việc áp dụng giãn cách được nới dần, sự giao lưu tăng lên thì nguy cơ dịch bệnh với các biến chủng mới là nỗi lo. Vì vậy huyện phấn đấu đến 30-9 đạt phủ 70% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên" - bà Hiền chia sẻ.
Quận 7 cũng cho biết tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm là tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, quận chủ động hình thành trung tâm nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới để dự báo, tính toán sớm việc phục hồi kinh tế, kinh doanh - tất nhiên là đi kèm việc tìm biện pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp.
"TP cũng đến lúc sẽ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Quận cũng thông qua trung tâm nghiên cứu để đánh giá, chuẩn bị kế hoạch cho từng loại hình hoạt động phù hợp thực tiễn. Ban đầu là hoạt động sản xuất dự trù vào cuối tháng 9, sau đó mới tính đến kinh doanh, thương mại, dịch vụ" - ông Võ Khắc Thái chia sẻ thêm.
Tình hình và kết quả kiểm soát dịch tại quận 7 và huyện Củ Chi - Đồ họa: N.KHANH
Phải bảo vệ bằng được "vùng xanh"
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết việc công bố kiểm soát được dịch dựa vào bộ tiêu chí do Bộ Y tế ban hành, nếu địa phương nào thấy thỏa đủ các điều kiện có quyền công bố.
Chia sẻ câu chuyện về Củ Chi, ông Sơn dẫn chứng riêng xã Phước Hiệp đã thực hiện test nhanh "quét đi quét lại" 3 lần đều cho kết quả âm tính. Theo ông, không riêng gì Củ Chi hoặc quận 7, bất cứ một quận huyện nào khi đã kiểm soát được dịch COVID-19, vấn đề quan tâm hàng đầu là tập trung các giải pháp bảo vệ bằng được "vùng xanh".
"Cách đây vài ngày, tôi lên Củ Chi và điều rất mừng là "vùng xanh" của địa phương đã chiếm khoảng 99%. Để đạt được điều này, cán bộ địa phương đã bám rất sát chiến lược xét nghiệm từ đầu dịch tới nay" - ông Sơn nói.
Trong các giải pháp sắp tới, việc kiểm soát các phương tiện giao thông vận tải, lưu thông của người dân sẽ là một gánh nặng rất lớn cho các địa phương. Vì thế, ông Sơn cho rằng TP.HCM nên có một chính sách hỗ trợ trong việc kiểm soát người - xe ra vào trong địa bàn từng địa phương. Với phương tiện "quá giang" qua địa phương nếu có mã QR, hoặc các giấy đi đường theo quy định thì được lưu thông bình thường.
Ông Sơn khuyến cáo ngoài test nhanh, các địa phương vẫn cần phát triển duy trì các tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động chăm sóc F0; vẫn phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như tổ chức xét nghiệm, tuân thủ cách ly, giãn cách.
Việc kiểm soát dịch, ông Sơn cho rằng các quận huyện ngoại thành sẽ dễ làm hơn các quận nội thành, vốn mật độ dân cư đông đúc. Với những khu vực đông đúc này, đặc biệt những khu trọ công nhân, nếu chỉ xét nghiệm, ca mắc vẫn sẽ "nở" ra hằng ngày. Vì vậy, cần nhiều nơi áp dụng việc "di tản" dân của quận Bình Thạnh và quận 7 vừa qua nhằm giảm mật độ dân cư một số khu vực để kiểm soát, khống chế dịch tốt hơn.
TTO - Chiều 29-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự họp báo có ông Lê Hải Bình - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Xem thêm: mth.19812538040901202-ihc-uc-7-nauq-hnax-gnuv-gnor-nahn-ev-oab/nv.ertiout