Kiểm toán lưu ý nhiều vấn đề
Trên báo cáo tài chính soát xét bán niên của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (MCK: ITA), đơn vị kiểm toán nhấn mạnh 2 vấn đề về việc nộp tiền thuê đất tại khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng và khoản đầu tư tại dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Cụ thể, tập đoàn ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại trên phần đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tân Tạo – khu mở rộng với tổng diện tích 926.047 m2 và khu công nghiệp Tân Đức trên tổng diện tích 1,68 triệu m2.
Giá vốn bao gồm tiền thuê đất được ước tính dựa trên đơn giá thuê đất của các hợp đồng thuê đất hàng năm và các phụ lục có liên quan đã được ký kết với cơ quan chức năng có thẩm quyền tại thời điểm ghi nhận doanh thu.
Kiểm toán viên lưu ý Tân Tạo có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với phần diện tích đất đã được cho thuê lại. Tuy nhiên, số tiền này có thể khác số tiền đã được doanh nghiệp trích trước. Hiện tại, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định đơn giá này.
Ban lãnh đạo Tân Tạo cho biết đã nộp hồ sơ cần thiết đến các cơ quan Nhà nước và chờ phản hồi về việc xác định, nộp tiền thuê đất một lần. Do đó, công ty quyết định trình bày khoản phải trả Nhà nước liên quan đến chi phí thuê đất này là một khoản nợ tiềm tàng theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Kiểm toán cũng tiếp tục lưu ý khoản đầu tư vào Công ty Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Công ty Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC2) với tổng giá trị 2.170 tỷ đồng, khoản phải thu từ TEDC lên tới 1.412 tỷ đồng. Các khoản này phát sinh liên quan tới quá trình phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Trong khi đó, dự án này vẫn trong quá trình chờ phê duyệt từ các cơ quan chức năng để có thể khởi động.
Giải trình vấn đề trên, ban lãnh đạo Tân Tạo cho biết vẫn tiếp tục bám sát, làm việc với cơ quan, ban ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án Nhà máy điện Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tập đoàn đánh giá Việt Nam vẫn thiếu điện, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Do đó, Tân Tạo cho rằng khoản công nợ phải thu từ TEDC, giá trị khoản đầu tư vào 2 công ty TEDC, TEC 2 được đảm bảo bằng tài sản cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và giá trị diện tích đất của dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Một điều đáng chú ý khác liên quan vị Chủ tịch HĐQT của Tân Tạo, cái tên Đặng Thị Hoàng Yến không còn xuất hiện. Thay vào đó, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Tân Tạo dùng tên Maya Dangelas.
Trong các tài liệu liên quan đến Tân Tạo trước đây, nữ Chủ tịch HĐQT vẫn dùng song song cả tên Việt Nam và tên nước ngoài.
Giảm mạnh nợ vay
Tính đến 30/6, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 13.364 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu 4.018 tỷ đồng và hàng tồn kho 4.009 tỷ đồng, tiếp tục chiếm dụng vốn với tỷ trọng hơn 60% tổng tài sản. Điểm tích cực ở nguồn vốn là tổng nợ vay giảm mạnh 70% so với đầu năm về gần 178 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC soát xét bán niên, doanh thu thuần của công ty tăng 21% lên gần 322 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí trong kỳ tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 76 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với bản báo cáo tự lập, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm hơn 21% (trước kiểm toán 96 tỷ đồng).
Giải trình vấn đề lợi nhuận sụt giảm sau soát xét, ban lãnh đạo Tân Tạo cho biết theo ý kiến kiểm toán ngoài khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, công ty còn phát sinh khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết không được đề cập ở báo cáo tự lập.
Trong năm 2021, công ty chuyên cho thuê khu công nghiệp và phát triển đô thị này đặt mục tiêu doanh thu hơn 910 tỷ đồng, trong đó từ cho thuê nhà đất khoảng 747 tỷ đồng, từ cung cấp dịch vụ 150 tỷ đồng. Chỉ tiêu lãi sau thuế khoảng 237 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm ngoái.
Tân Tạo tiền thân là Công ty TNHH Hoàng Yến được thành lập năm 1993. Doanh nghiệp sau đó chuyển đổi loại hình thành công ty cổ phần và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM vào cuối năm 2006. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ITA đóng cửa phiên 1/9 giao dịch ở mức 7.300 đồng/cổ phiếu.