Sau đây là một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng để "giăng bẫy" nạn nhân, vừa được Công an TPHCM cảnh báo để người dân đề phòng.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các biến thể mới, nguy hiểm liên tục được phát hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, khiến không ít người có tâm lý hoang mang. Ngoài nguyện vọng được tiêm đủ vắc-xin, người dân còn có nhu cầu nắm bắt thông tin về số ca nhiễm, đăng ký nhận trợ cấp khó khăn, hướng dẫn cách thức chăm sóc diện F0 điều trị tại nhà... Lợi dụng tâm lý này, số đối tượng bất hảo gia tăng hoạt động trên không gian mạng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Để giúp người dân không bị mất tài sản do thiếu thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an TPHCM đã đúc kết và cảnh báo về các thủ đoạn trên.
Nổi lên trong thời điểm TPHCM giãn cách xã hội là thủ đoạn lừa người dân bằng các phần mềm "song sinh". Theo đó, đối tượng dẫn dụ người dân đầu tư vào các công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng, chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. Chúng tạo ra các phần mềm ứng dụng cho ĐTDĐ có giao diện na ná, thoạt nhìn có vẻ giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan dịch Covid-19 của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi người dùng tải về điện thoại cá nhân thì sẽ bị kẻ gian tấn công bởi các mã độc, nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, thông tin bảo mật hay chi tiết tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng của nạn nhân.
Các đối tượng còn mạo danh nhân viên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế..., gửi thư điện tử, tin nhắn cho nạn nhân với tập tin đính kèm hoặc liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm Covid-19, đăng ký trợ cấp khó khăn... Khi nạn nhân mở các tập tin đính kèm hoặc bấm vào các liên kết đó, máy tính, ĐTDĐ của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng và bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản.
Mong muốn của nhiều người dân hiện nay là có thuốc đặc trị Covid-19. Nắm bắt tâm lý này, các đối tượng sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá, bán những sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa vi rút như vắc-xin hoặc tuyên truyền các phương thuốc, toa thuốc điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng, cấp phép của cơ quan chức năng. Một thủ đoạn khác là lập các website bán hàng trực tuyến, hội, nhóm buôn bán vật tư, trang thiết bị y tế qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Telegram...), như: khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, đồ bảo hộ, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy tạo oxy, bình oxy, kit "test" nhanh Covid-19... Nếu người dân thiếu kiểm chứng, vội vàng chuyển tiền mua hàng, chúng sẽ ngắt liên lạc và không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để tránh sập bẫy lừa trên không gian mạng, Công an TPHCM khuyến cáo người dân không nên truy cập vào các đường link, trang web, phần mềm lạ. Khi phát hiện máy tính, ĐTDĐ của mình có các tập tin, đường link lạ chuyển đến thì tuyệt đối không mở ra xem, không làm theo hướng dẫn trong đó, mà cần xóa ngay khỏi thiết bị máy tính, điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, ảnh chụp, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng.
Công tác phòng ngừa, điều trị Covid-19 cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM về danh mục các loại dược phẩm phòng ngừa, điều trị và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người dân không nên sử dụng và chia sẻ lên mạng xã hội các bài thuốc, đơn thuốc phòng ngừa, điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và tránh bị xử phạt vì đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Khi có nhu cầu mua thiết bị, vật tư y tế như kit "test" nhanh Covid-19, máy đo nồng độ oxy, máy tạo oxy..., người dân nên mua ở những nhà thuốc, địa chỉ có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ hàng rõ ràng, được kiểm định của cơ quan chức năng. Riêng thuốc điều trị Covid hiệu Molnupiravir 400mg hiện được sử dụng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, hoàn toàn miễn phí. Do đó, người dân không đặt mua qua mạng xã hội loại thuốc này, vì vừa phải trả giá cao mà chưa chắc đã đúng loại thuốc cần dùng, chưa kể có thể mua nhầm thuốc giả. Khi phát hiện các nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo, bán hàng giả, kém chất lượng..., người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để thụ lý giải quyết.
Xem thêm: lmth.554911_et-y-ib-teiht-nab-aum-ut-uad-iog-uek-aul-yab/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc