Nông dân đang chuẩn bị các combo nông sản 10kg giao lên TP.HCM - Ảnh: MINH HẢI
Các gói combo nông sản 10kg có giá tối thiểu 100.000 đồng liên tục được thay đổi chủng loại sản phẩm và các nhà cung cấp để tăng tính đa dạng cho người dân. Trong thời gian qua, lượng đặt hàng combo nông sản 10kg không ngừng được tăng lên cũng đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân tại nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam.
Trước đó, Sở NN&PTNT TP.HCM gửi công văn cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, các sở ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố về việc triển khai chương trình túi an sinh combo nông sản của Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT.
Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị nói trên thông tin đến các đơn vị trực thuộc, cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có nhu cầu đăng ký các gói combo của Tổ 970 qua website, Zalo hay điện thoại.
Tại tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do báo Người Lao Động tổ chức sáng 4-9, ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết Bộ NN&PTNT đã đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh, thành lập tổ công tác tương tự Tổ công tác 970 để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương thúc đẩy từng vấn đề cụ thể để bổ sung, tháo gỡ.
Chương trình combo nông sản 10kg đã góp phần giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: MINH HẢI
Theo ông Tùng, trong 3 tháng gần đây, khi các tỉnh, thành ở Nam Bộ lần lượt giãn cách xã hội, toàn khu vực đã thu hoạch 6 triệu tấn lúa, 3,8 triệu tấn rau màu, 4 triệu tấn trái cây. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ sẽ phải thu hoạch và tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau, 1,7 triệu tấn trái cây.
Riêng trong tháng 9, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa. Bên cạnh đó là khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau. Một số loại trái cây cần tiêu thụ với sản lượng lớn như thanh long (30.000 tấn), xoài (35.000 tấn), chuối (50.000 tấn), cam (55.000 tấn)… Những tháng cuối năm, sản lượng nông sản cần tiêu thụ sẽ còn nhiều hơn.
Ông Nguyễn Minh Lâm, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho hay việc tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã từng gặp khó khăn lớn do các chợ đầu mối ở TP.HCM phải đóng cửa, các chợ truyền thống ở Long An cũng ngừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những vướng mắc trong tiêu thụ nông, thủy sản ở Long An nhìn chung đã được khắc phục, giá của nhiều loại nông sản đã tăng trở lại.
TTO - Từ ngày 4 đến 6-9, các xe combo nông thủy sản của hợp tác xã, doanh nghiệp ở Cà Mau, Tiền Giang chở đến quận Bình Thạnh, TP.HCM, sau đó đội đi chợ hộ sẽ mua và chuyển tới người dân.
Xem thêm: mth.37773548140901202-mch-pt-iat-gk01-nas-gnon-obmoc-aum-iom-uad-ueihn-meht/nv.ertiout