Tại buổi tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 4-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan mong muốn các doanh nghiệp, chuyên gia tiếp tục gửi zalo, email hiến kế cho Bộ trưởng để tiếp tục có những giải pháp kết nối cung cầu, tạo nhiều đầu ra cho bà con nông dân.
Theo Bộ NN&PTNT, trong ba tháng gần đây, 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách đã thu hoạch 1 triệu ha, tiêu thụ 6 triệu tấn lúa, 3,8 triệu tấn rau màu, 4 triệu tấn trái cây.
Nỗ lực luân chuyển hàng
Dù dịch bệnh, giãn cách gây ra nhiều khó khăn nhưng hàng hóa cơ bản vẫn luân chuyển được nhờ sự nỗ lực các địa phương, các bộ ngành nên sản lượng tiêu thụ vẫn tương đương hằng năm.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau, 1,7 triệu tấn cây ăn trái cây.
Riêng trong tháng 9, các tỉnh thành ĐBSCL phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; ngoài ra trái cây thì hàng tháng có khoảng 350.000 tấn các loại; 250.000 tấn rau.
Nhiều doanh nghiệp, địa phương góp ý tiêu thụ nông sản tại buổi toạ đàm trực tuyến.
"Bên cạnh đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng trên 30.000 tấn/loại như thanh long, xoài, chuối… cũng cần phải giải quyết đầu ra cho hiệu quả. Việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới cần chú trọng nhiều hơn tại thị trường nội địa" - ông Tùng nói.
Bộ NN&PTNT đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành lập tổ công tác tương tự tổ công tác 970 để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn, phối hợp các địa phương thúc đẩy từng vấn đề cụ thể để bổ sung, tháo gỡ.
Ông Tùng cũng cho biết bộ cũng tổ chức kết nối cung cầu nông sản giữa các tỉnh sản xuất với thị trường tiêu thụ. Trong những ngày gần đây việc kết nối này đã đi vào thích nghi, góp phần lớn cho tiêu thụ sản phẩm nông sản. Như TP Cần Thơ đã tổng hợp 139 đầu mối cung cấp hàng hóa với tổng sản lượng 22.000 tấn.
Doanh nghiệp và địa phương đều gặp khó
Ở các địa phương, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết nhìn chung, tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn kiểm soát được nhưng còn khó khăn là chuỗi tiêu thụ đứt gãy, có hiện tượng đứt gãy cục bộ đối với hàng hoá do người dân sản xuất với cách làm trước đây là tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Cái khó nữa là chi phí sản xuất tăng 3-4 lần.
Đáng chú ý, trái thanh long chủ lực của tỉnh này đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch. Theo ông Lâm, đầu tháng 9 này, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành tính toán số lượng thanh long trên địa bàn để gỡ vướng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phản ảnh thời gian qua, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn.
95% doanh nghiệp Cần Thơ đã đóng cửa. Đa số doanh nghiệp đang vướng quy định 3 tại chỗ cả về nguyên liệu sản xuất, duy trì sản xuất; vướng theo quy định đi đường do kiểm soát dịch khó khăn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, DN không đủ quy mô để tổ chức chuỗi sản xuất vì đầu tư cho 3 tại chỗ quá lớn.
Riêng trong tháng 9, các tỉnh thành ĐBSCL phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa.
Nhiều ý kiến các doanh nghiệp, các địa phương cũng kiến nghị cần thay đổi về phương thức hoạt động, không thể kéo dài 3 tại chỗ, để tạo thuận lợi trong việc thu hoạch, vận chuyển, chế biến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang vào vụ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại nông dân sẽ không tái sản xuất trở lại khi đó nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ứng nông sản trong năm tới.
Đại dịch là thử thách
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, bộ giao Tổ công tác 970 cùng các hiệp hội ngành hàng ngồi cùng với cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã để cùng nhau đưa sáng kiến về các giải pháp cho nông sản.
Đại dịch lần này là dịp để thử thách tư duy liên kết vùng của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
13 tỉnh, thành có ranh giới nhưng không gian phát triển không có ranh giới. Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có nghị quyết về ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh tính liên kết vùng.
Theo ông Hoan, bộ đã trình chính phủ để cùng doanh nghiệp, nông dân sắp xếp lại hệ sinh thái từng ngành hàng, hệ sinh thái vùng ĐBSCL không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chánh.
Các doanh nghiệp, chuyên gia nếu có ý kiến hay thì gửi zalo hoặc email cho bộ trưởng để hiến kế tăng đầu ra cho nông sản.
(PLO)- Chỉ trong 6 ngày, 25 tấn nông sản Hải Dương đã được tiêu thụ tại Hà Nội.