vĐồng tin tức tài chính 365

TPHCM sẽ mở cửa lại kinh tế "bình thường mới" thế nào sau ngày 15.9?

2021-09-05 11:15

TP.Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch từng bước mở cửa kinh tế sau ngày 15.9, trong đó có thể chọn Củ Chi và quận 7 - hai địa bàn đã kiểm soát được dịch làm hai mũi đột phá thí điểm việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới".

Những bước đi thận trọng

TPHCM vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế theo hai giai đoạn từ ngày 15.9 đến ngày 31.12 và năm 2022 cùng những năm tiếp theo.

Việc mở cửa kinh tế cho một số loại hình sản xuất, dịch vụ đã được lãnh đạo quận, huyện tại TPHCM tính tới trên cơ sở bài toán chung của toàn thành phố cũng như hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi với Báo Lao Động - ông Võ Khắc Thái - Bí thư Quận ủy quận 7 cho biết, hiện quận 7 đã hình thành Trung tâm nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trung tâm này cùng với Trung tâm dữ liệu của quận sẽ là mấu chốt để quận 7 phục hồi lại kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận; có biện pháp để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Theo ông Thái, quận 7 đang xây dựng phương án sản xuất, cố gắng đến hết tháng 9.2021 có thể tái sản xuất trong điều kiện an toàn về dịch bệnh. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là tiêm vaccine mũi 2, rồi chờ thêm thời gian để vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ. "Việc mở cửa kinh tế phải làm kỹ, thận trọng, trước khi người lao động đi làm trở lại sẽ xét nghiệm lại một lần nữa" - ông Thái nói.

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân quận 7, TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân quận 7, TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ

Quận 7 có khu chế xuất Tân Thuận với khoảng 45.000 người lao động làm việc tại khu chế xuất này cư trú trên địa bàn, chủ yếu trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn.

Bí thư Quận ủy quận 7 nhìn nhận đây là một bài toán khó và cần sự quyết tâm rất lớn, xây dựng phương án đảm bảo an toàn. Trong những ngày tới, quận 7 sẽ ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, sắp tới huyện vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 như các quận, huyện khác, nhắc nhở người dân tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Ông Thắng nhìn nhận nếu bây giờ huyện mở cửa thì cũng chỉ nội huyện, các mối giao lưu kinh tế khác vẫn còn phụ thuộc vào tình hình chung của TPHCM và vùng phụ cận. Do vậy, huyện phải giữ vững thành quả ít nhất một tuần nữa mới có thể tính đến chuyện mở cửa.

“Làm gì cũng phải chắc chắn chứ không thể vội vã. Huyện có muốn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 thì cũng phải được sự cho phép của thành phố, chứ bản thân huyện không thể quyết việc nới lỏng giãn cách. Hiện vẫn tiếp tục "ai ở đâu ở yên đó” - ông Thắng cho hay.

Chọn quận 7 và huyện Củ Chi thí điểm kịch bản "bình thường mới"

Ông Phạm Đức Hải - người phát ngôn của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, việc quận 7 và huyện Củ Chi kiểm soát được dịch không có nghĩa là được thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch mà phải chờ đánh giá chung của các quận, huyện còn lại để thành phố đưa ra các giải pháp tiếp theo.

Ngày 4.9, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, những kết quả của huyện Củ Chi đạt được sẽ là cơ sở để bổ sung cho những điều kiện cần thiết, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng chống dịch của TPHCM trong thời gian tới.

Từ đó, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM chọn huyện Củ Chi và quận 7 làm hai mũi đột phá để thí điểm cho việc chuẩn bị kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM sau ngày 15.9.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức 7 đoàn chuẩn bị đi kiểm tra đánh giá kết quả từng địa phương theo tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 của Bộ Y tế đưa ra. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ đánh giá và “vẽ lại bản đồ COVID-19”.

TPHCM đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế theo 2 giai đoạn từ ngày 15.9 đến 31.12 và từ năm 2022.  Ảnh: Ngọc Lê
TPHCM đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế theo 2 giai đoạn từ ngày 15.9 đến 31.12 và từ năm 2022. Ảnh: Ngọc Lê

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đang xây dựng dự thảo phục hồi kinh tế TPHCM theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ khi kế hoạch được ban hành đến ngày 31.12 triển khai các giải pháp tập trung cần làm ngay, không nóng vội nhưng không quá thận trọng, cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Giai đoạn 2 từ năm 2022 trở đi, đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế, tiến đến khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế.

Trong dự thảo, Tổ tư vấn về chính sách phòng dịch và phục hồi kinh tế TPHCM đề xuất mô hình tái khởi động nhằm giải quyết tình trạng khó khăn của đa số các doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, đưa ra khung vận hành thận trọng để doanh nghiệp nâng công suất hoạt động dần theo các mức 30% - 50% 70% và cao hơn.

Xem thêm: odl.888949-951-yagn-uas-oan-eht-iom-gnouht-hnib-et-hnik-ial-auc-om-es-mchpt/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“TPHCM sẽ mở cửa lại kinh tế "bình thường mới" thế nào sau ngày 15.9?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools