Theo tờ South China Morning Post ngày 4-9, Bắc Kinh đã bắt đầu thử nghiệm tuyến đường bộ thương mại mới qua Myanmar - một động thái được coi là thể hiện sự ủng hộ đối với nước láng giềng sau cuộc chính biến hồi tháng 2.
Hành lang Trung Quốc - Myanmar được thiết kế để kết nối vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc với Ấn Độ Dương. Nó có thể thúc đẩy thương mại và cũng tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Myanmar trong bối cảnh nước này bị thế giới cô lập sau cuộc chính biến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bà Aung San Suu Kyi - cố vấn nhà nước của chính phủ dân sự Myanmar trong cuộc gặp hồi tháng 1-2020. Ảnh: AP
Tháng trước, Bắc Kinh đã thực hiện đợt thử nghiệm đầu tiên của hành lang Trung Quốc - Myanmar. Khi đó, khoảng 60 container đã được gửi bằng đường bộ từ Yangon - một trung tâm vận tải biển lớn của Ấn Độ Dương, đến Chin Shwe Haw ở biên giới với Trung Quốc. Sau đó, nó được gửi đến Lincang ở tỉnh Vân Nam và được vận chuyển bằng đường sắt đến Thành Đô - thủ phủ của Tứ Xuyên và là một trung tâm thương mại lớn ở miền tây Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng cho biết hai cuộc thử nghiệm tiếp theo sẽ sớm được tổ chức và các hoạt động thường xuyên có thể bắt đầu vào đầu năm sau.
Thông báo của tuyến đường được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh dường như đang củng cố mối quan hệ của mình với chính quyền quân sự ở Myanmar. Sau khi lật đổ chính quyền dân sự ở Myanmar và bị cáo buộc gây ra các cuộc bạo lực đẫm máu, quân đội nước này đã hứng chịu nhiều đợt trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
So với các tuyến đường biển truyền thống từ miền đông và miền nam Trung Quốc, liên kết mới có thể rút ngắn lộ trình di chuyển một chiều từ 20 đến 22 ngày, một quan chức giấu tên từ Cảng Đường sắt Quốc tế Thành Đô cho biết.
Nguồn tin này cũng tiết lộ đây là cách thuận tiện nhất để liên kết khu vực phía tây rộng lớn của Trung Quốc với Ấn Độ Dương, từ đó giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động thương mại của Bắc Kinh với Đông Nam Á, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Trung Đông.
Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào kết nối cơ sở hạ tầng với Đông Nam Á.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục gia tăng, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang dần hướng đến các khu vực phía Tây rộng lớn và giàu tài nguyên để tự thúc đẩy nền kinh tế của mình.
Theo nhà phân tích chính trị Khin Zaw Win ở Yangon, tuyến đường thương mại mới là đường liên kết và lối ra đại dương cho vành đai công nghiệp phía tây của vùng trung tâm Trung Quốc.
Theo bà Yun Sun - nhà phân tích về quan hệ Trung Quốc - Myanmar tại Trung tâm Stimson (Mỹ), do mạng lưới giao thông nội địa yếu kém và tình hình hỗn loạn ở Myanmar, có thể mất một thời gian trước khi tuyến đường thương mại được chính thức đưa vào hoạt động.