Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với doanh thu 4.930 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 621 tỷ đồng, tăng 119%.
Riêng tháng 8, doanh thu của PVTrans đạt 720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 121 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này là tín hiệu khả quan khi cách đây không lâu, công ty vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với mức lỗ trước thuế 59 tỷ đồng.
Trong đó năm 2021, PVTrans đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và LNST đạt 404 tỷ đồng, lần lượt giảm sâu 18,7% và 51,3% so với kết quả đạt được trong năm 2020. Như vậy, kết thúc 8 tháng đầu năm PVTrans đã vượt đến 24% mục tiêu về lợi nhuận.
Theo PVTrans, kết quả kinh doanh khả quan này đến từ việc giá cước vận tải có chiều hướng biến động tốt trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, việc xây dựng được định hướng chiến lược tổng thể về trẻ hóa đội tàu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cũng góp phần tạo thêm nguồn lợi nhuận cho công ty.
Hiện tại, PVTrans đang sở hữu đội tàu vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam gồm 34 chiếc với tổng tải trọng khoảng 1 triệu DWT.
Năm nay, PVTrans dự kiến chi 7.621 tỷ đồng (bao gồm công ty mẹ và các công ty con) cho hoạt động đầu tư, trong đó 64% sẽ được tài trợ bằng vay nợ. Số tiền này chủ yếu sẽ được dùng để đầu tư các tàu mới vốn đã bị ngưng một phần trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, để nâng cao năng lực vận tải, PVTrans dự kiến đầu tư thêm 15 tàu. Theo đó, cty mẹ dự kiến đầu tư mới 4 tàu gồm 2 tàu chở dầu/hoá chất khoảng 10.000 - 25.000 DWT; 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 - 80.000 DWT; 1 tàu chở dầu thô Aframax khoảng 105.000 - 120.000 DWT. 11 tàu còn lại là dự kiến đầu tư của các đơn vị thành viên.
Kế hoạch trên đặt ra trong bối cảnh PVTrans giữ vững thị phần vận tải nội địa và tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế với 80% đội tàu đang hoạt động tại nhiều khu vực. PVTrans bắt đầu tham gia vào các thị trường vận tải có tiêu chuẩn cao như châu Âu, Bắc Mỹ...
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định PVTrans có thể thanh lý tàu chở dầu thô Athena vào quý IV/2021 và ghi nhận khoản lợi nhuận một lần trị giá 100 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ lợi nhuận cho công ty.
Theo đó, chuyên gia phân tích của VCSC dự báo tăng trưởng EPS cốt lõi năm 2021 đạt 8,2% khi kỳ vọng mảng vận tải sẽ phục hồi sản lượng, đóng góp lợi nhuận trong nửa năm từ VLGC mới và lợi nhuận ổn định từ mảng FSO.
Không chỉ riêng PVTrans, nhiều doanh nghiệp vận tải biển khác cũng tích cực thuê, tiếp nhận và lên kế hoạch đóng mới tàu có tải trọng lớn. Điển hình là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco - VOS) cũng vừa công bố kế hoạch thuê tàu Vinalines Galaxy có trọng tải 50.530 DWT từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) với giá trị hợp đồng thuê tàu hơn 75 tỷ đồng.
Cũng có kế hoạch nâng cấp đội tàu trong tương lai, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) sẽ đóng mới tàu chuyên chở container 1.800 teu loại SDARI Bangkok Max IV tại Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2024. Cùng với đó, công ty sẽ mua hai tàu cũ loại 1.000-1.500 teu để sử dụng cho tuyến ngắn Hải Phòng, Hong Kong - Nam Trung Quốc và miền Trung, Cái Mép - TP HCM.
Trong báo cáo cập nhật ngành logistics, SSI Research đưa ra nhận định, những doanh nghiệp sở hữu đội tàu quy mô lớn đang được hưởng lợi từ xu thế giá cước vận tải leo thang. Thời gian tới, giá cước chưa hạ nhiệt cùng tiềm năng lưu chuyển hàng hóa vẫn còn lớn là động lực tăng trưởng của nhóm vận tải biển. Trên thực tế, các doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, SSI Research cũng nhắc đến việc thuê tàu hay đóng mới cũng chịu rủi ro khi thị trường vận tải đảo chiều, hoặc được giao tàu khi nhu cầu không còn cao. Dù vậy, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến khó có thể được khắc phục cho đến 2023, giá cước vận tải tiếp tục neo ở mức cao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt là container.
PHƯƠNG LY