Bệnh viện dã chiến số 5 chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ, bàn giao cơ sở trả lại cho trường học - Ảnh: BVCC
Tính đến nay, tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi đã là 3.355 người. Hiện tại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở cả ba tầng 1, 2, 3 đang điều trị 853 ca COVID-19, trong đó có 54 bệnh nhân nặng.
Theo nhận định mỗi ngày, số ca F0 giảm, số xuất viện tăng nên ngành y tế thành phố đang có kế hoạch thu hẹp, kết thúc nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 của một số bệnh viện dã chiến.
Các bệnh viện dã chiến gồm: số 1 tạm thời sắp xếp giảm nhân lực để tiếp nhận, điều trị 200 giường bệnh (vẫn sẵn sàng khả năng tiếp nhận điều trị 400 giường khi có yêu cầu); số 2 giữ nguyên khả năng tiếp nhận điều trị 800 giường.
Bệnh viện dã chiến quận Thốt Nốt duy trì tiếp nhận 400 giường (gồm cả tầng 1 và 2). Các bệnh viện dã chiến số 4, số 5, số 6, Phong Điền, Quân dân y chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19; trở lại nhiệm vụ khám, chữa bệnh bình thường.
Các bệnh viện này đều được trưng dụng từ cơ sở trường học, bệnh viện, nên sau khi xong thủ tục giải thể sẽ bàn giao lại cho các đơn vị chủ quản. Các bệnh viện dã chiến: Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai giữ nguyên khả năng tiếp nhận bệnh, theo số giường điều trị ở tầng 1.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ trước đó được giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận điều trị COVID-19, trong đó có khu vực hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở tầng 3, tính đến nay đã có 492 trường hợp được xuất viện.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu bệnh viện chủ động xây dựng phương án, sắp xếp lại hoạt động của đơn vị để trở về vai trò tiếp nhận khám chữa bệnh, cấp cứu của một bệnh viện đa khoa. Trong đó, thành lập tách biệt một đơn vị hoặc Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (tầng 3), với quy mô 50 giường.
Theo số liệu, hiện các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID đang điều trị 877 bệnh nhân, chiếm khoảng 17%/tổng số giường bệnh theo kế hoạch.
Để chuẩn bị cho việc trở lại cuộc sống bình thường, UBND thành phố Cần Thơ vừa có dự thảo phương án phòng chống dịch COVID-19 của thành phố sau ngày 8-9 (ngày kết thúc đợt giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16).
Theo đó, các quận huyện sẽ rà soát các tiêu chí phòng chống dịch để chia vùng quản lý theo cấp độ: vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (thực hiện chỉ thị 16), nguy cơ (chỉ thị 15) và vùng bình thường mới (chỉ thị 19).
Theo tiêu chí phân loại này, hiện chỉ có phường Ô Môn đạt theo tiêu chí phường bình thường mới; huyện Vĩnh Thạnh có 10 xã bình thường mới, 1 xã nguy cơ; huyện Thới Lai có 7 xã nguy cơ, 2 xã nguy cơ cao, 4 xã bình thường mới; huyện Cờ Đỏ có 3 xã nguy cơ cao, 5 xã nguy cơ và 2 xã bình thường mới; huyện Phong Điền 2 xã nguy cơ cao, 3 xã nguy cơ, 1 xã bình thường mới; quận Thốt Nốt 6 phường thuộc diện nguy cơ rất cao và 3 phường nguy cơ cao.
Các quận trung tâm Cần Thơ là Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy có tất cả các phường thuộc diện nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, nên toàn bộ được đề xuất tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 sau ngày 8-9. Tuy nhiên, từ đây đến 8-9, tùy theo tình hình ca mắc mới ghi nhận, các quận huyện sẽ tiếp tục có đánh giá và chiến lược phòng chống dịch tùy theo diễn biến dịch bệnh.
TTO - Nhằm chung tay góp sức cùng tuyến đầu chống dịch, tập đoàn FPT đã hỗ trợ thiết bị công nghệ thông tin và hạ tầng tới 5 bệnh viện dã chiến số 1, 2, 4, 5 và 6 tại TP Cần Thơ, tiếp sức cùng các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19.