Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành góp ý cho dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Bộ Tài chính cho biết hiện nay thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam. Qua theo dõi của cơ quan hải quan, số lượng hàng giao dịch qua thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và vào các dịp lễ, giảm giá.
Dựa trên kết quả thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội đạt kim ngạch 1,025 tỷ USD.
Hàng hoá giao dịch thương mại điện tử chủ yếu là hàng hoá phục vụ tiêu dùng, hàng giá trị nhỏ và hiện nay chủ yếu được các hãng chuyển phát nhanh vận chuyển, làm thủ tục và giao cho khách hàng mua.
Tuy nhiên, chính sách hiện hành chưa quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Một trong những nội dung nổi bật trong dự thảo là chính sách thuế đối với hàng hóa giao dịch qua kênh này.
Để đảm bảo cho công tác quản lý hải quan và cũng tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống.
Hiện tại, Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định, hàng hoá gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có giá trị hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nghị định chưa có các quy định cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế. Điều này dẫn đến có hiện tượng người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế.
Do vậy, để tương đồng với hàng hoá gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống. Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng cũng được miễn thuế nếu có tổng số tiền thuế nhập khẩu dưới 100.000 đồng. Song, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được miễn thuế không quá 1 đơn hàng/ngày và 4 đơn hàng trên/tháng.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo đơn hàng trên 1 triệu đồng và tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn quản lý, kiểm tra chuyên ngành 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua sàn TMĐT có giá trị đơn hàng theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc 5 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Bộ Tài chính đánh giá, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Hiệp hội thương mại điện tử tại báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) đánh giá tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam là 25-30% trong 5 năm gần đây. Nếu vẫn duy trì được mức tăng trưởng này, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tới năm 2025 sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Quỳnh Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị