Thị trường chứng khoán gần đây thu hút rất đông nhà đầu tư, giá trị giao dịch hiện cao gấp nhiều lần so với những năm trước, thậm chí có phiên lên đến 48.000 tỉ đồng, tức hơn 2 tỉ USD. Tuy vậy, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức chỉ tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu nhất định như VN30, HNX30, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, dầu khí, thủy sản, bán lẻ... Phần lớn những cổ phiếu còn lại trên sàn lại có giao dịch rất lạ.
Giá "sốt" nhưng thanh khoản lèo tèo
Dạo các sàn HoSE, HNX và UPCoM, nhà đầu tư sẽ ngỡ ngàng với những cổ phiếu có giá cao ngất ngưởng như VCF (HoSE) giá 245.000 đồng/cổ phiếu, PDN (HoSE) 93.000 đồng/cổ phiếu, WCS (HNX) 181.000 đồng/cổ phiếu, DP3 (HNX) 116.200 đồng/cổ phiếu, CMF (UPCoM) 185.000 đồng/cổ phiếu, HLB (UPCoM) 169.500 đồng/cổ phiếu, CAB (UPCoM) 140.900 đồng/cổ phiếu… Thế nhưng, giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, thậm chí có mã suốt 1 năm không phát sinh giao dịch nào. Điều này khiến nhà đầu tư muốn mua hay bán với những cổ phiếu này đều rất khó thực hiện dù thực chất hoạt động doanh nghiệp rất tốt.
Điểm chung của những doanh nghiệp niêm yết có giá cao ngất ngưởng này là lượng cổ phần do cổ đông lớn nắm giữ rất "cô đặc" nên lượng cổ phiếu tự do giao dịch trên sàn rất ít. Chẳng hạn, mã VCF của Công ty CP VinaCafe Biên Hòa do Tập đoàn Masan nắm giữ tới gần 99% vốn cổ phần nên lượng giao dịch trên sàn mỗi phiên chỉ khoảng 100-200 cổ phiếu.
Tương tự, Công ty CP Cảng Đồng Nai với mã PDN, vốn điều lệ hơn 185 tỉ đồng nhưng cổ đông tổ chức nắm tới hơn 85% vốn nên lượng giao dịch trên sàn cũng rất ít, chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên, ngày nhiều nhất chỉ hơn 5.000 cổ phiếu/phiên. Nguyên nhân giá cổ phiếu PDN duy trì ở mức cao là do kết quả kinh doanh của công ty liên tục tăng những năm qua và cổ tức hằng năm đều khá cao.
Công ty CP Bến xe Miền Tây với mã WSC có vốn điều lệ chỉ 25 tỉ đồng nhưng lợi nhuận hằng năm đều đạt gấp đôi hoặc gấp 3 nên giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng liên tục duy trì mức cao trong nhiều năm. Trong khi đó, cổ đông tổ chức trong nước và nước ngoài nắm tới hơn 99% cổ phần nên lượng giao dịch bên ngoài rất thấp, nhà đầu tư trên sàn muốn mua bán cổ phiếu này cũng rất khó.
Khác với những cổ phiếu nói trên, cổ phiếu SSH của Công ty CP Phát triển Sunshine Homes đã gây ấn tượng với nhà đầu tư khi tăng trần liên tục 10 phiên sau khi lên sàn UPCoM. Cụ thể, từ ngày chào sàn 4-8 với giá tham chiếu 21.600 đồng/cổ phiếu, đến nay, đúng 15 phiên giao dịch, giá cổ phiếu SSH lên gần 104.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần 500%.
Đáng nói là mỗi phiên giao dịch trong thời điểm giá tăng mạnh đó, chỉ có vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu SSH được giao dịch. Nguyên nhân cũng bởi phần lớn vốn điều lệ của doanh nghiệp này đều do ban lãnh đạo và cổ đông nước ngoài nắm giữ nên lượng cổ phiếu SSH tự do rất ít. Việc tăng giá mạnh và liên tục của cổ phiếu SSH đã đưa chủ tịch HĐQT của Sunshine Homes Đỗ Anh Tuấn vào tốp 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán do tỉ lệ nắm giữ tới 65%; SSH cũng trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu trên sàn, sánh ngang VIC, VHM, NVL…
Việc tồn tại hàng trăm cổ phiếu “lạ” trên sàn có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi giao dịch những mã chứng khoán này. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có méo mó thị trường?
Trái ngược với những cổ phiếu giá cao, thanh khoản thấp, thị trường chứng khoán hiện nay còn có rất nhiều cổ phiếu giá thấp (penny) - giới đầu tư vẫn quen gọi là cổ phiếu "trà đá", chỉ vài ngàn đồng - nhưng lượng giao dịch hằng ngày rất lớn, có thể lên tới vài triệu hoặc hàng chục triệu cổ phiếu mỗi ngày, gồm: HQC, ITA, HAI, TNI, ROS, DLG...
Điển hình là cổ phiếu HQC của Công ty CP Tư vấn Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân. Một thời gian dài giao dịch dưới giá 5.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư mua vào lỗ nhiều - lời ít nhưng lượng giao dịch bình quân của HQC lên tới hơn 8 triệu cổ phiếu/ngày, những phiên đột biến có thể lên tới 10-20 triệu cổ phiếu.
Hiện HQC có giá 3.700 đồng/cổ phiếu trong khi từ năm 2020 trở về trước, giá cổ phiếu này chỉ 1.000 - 2.000 đồng, thậm chí giai đoạn cuối năm 2019 - đầu năm 2020, chỉ còn vài trăm đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu là vì kết quả hoạt động của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp trong nhiều năm. Trong quý gần nhất, lợi nhuận của công ty chỉ đạt hơn 1 tỉ đồng, giảm tới hơn 70% so cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính chứng khoán, cho biết trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, có những cổ phiếu rất "lạ" nhưng một phần là ý muốn chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp hay chính xác hơn là do cổ đông nắm giữ nên sẽ rất khó phân tích, lý giải. Điển hình là trước đây, cổ phiếu KSC của Công ty Muối Khánh Hòa buộc phải hủy niêm yết do không đáp ứng theo quy định. Thời điểm năm 2017, cổ phiếu này giá chỉ hơn 300 đồng nhưng cổ tức đến 25% nên cũng thuộc diện "độc, lạ".
Một chuyên gia tài chính khác cho rằng thị trường chứng khoán không thể có đầy đủ cổ phiếu đáp ứng nhu cầu của thị trường về giá, thanh khoản. Vì vậy, việc giá một số cổ phiếu cao hay thấp, giao dịch nhiều hay ít nhiều khi không phản ánh đúng giá trị thật của chỉ số, có thể làm méo mó thị trường, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư khi lựa chọn mua bán cổ phiếu cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, tránh mua bán theo trào lưu dễ dẫn tới thua lỗ vì chọn nhầm cổ phiếu "lạ".
Cũng theo chuyên gia này, các cơ quan quản lý cũng cần chú tâm kiểm soát, cần có quy định chặt chẽ hơn để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào thị trường. Qua đó, giúp thị trường chứng khoán ngày càng lớn mạnh.
Xem thêm: mth.84871202250901202-naohk-gnuhc-nas-nert-al-ueihp-oc/et-hnik/nv.moc.dln