Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, ông Blinken sẽ có mặt tại Qatar từ ngày 6-9, một tuần sau tuyên bố "chương mới" của Mỹ với dấu mốc lịch sử rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan.
Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Đây cũng là điểm tiếp nhận hơn 55.000 người sơ tán từ Afghanistan, cũng là nơi diễn ra các đàm phán quan trọng.
Tiếp đó, ông Blinken sẽ đến căn cứ Ramstein của Mỹ ở Đức. Tại đó, hàng ngàn người di cư Afghanistan đang chờ đến Mỹ. Cũng ở Đức, ngoại trưởng Mỹ sẽ dự hội nghị các ngoại trưởng nhóm G20 về vấn đề Afghanistan.
"Chuyến công du sẽ tập trung vào mối quan hệ với Qatar, cám ơn sự hỗ trợ tuyệt vời của họ, cũng như với phía Đức. Đó sẽ là thông điệp nền tảng của chuyến công du" - quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Dean Thompson nói.
Cùng lúc với chuyến đi của ông Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng bắt đầu chuyến công du đến Qatar và các đồng minh quân sự khác của Mỹ ở vùng Vịnh như Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia.
Mỹ cho biết 2 bộ trưởng sẽ không gặp các thành viên của lực lượng Taliban trong lần này.
Chuyến công du của ông Blinken và ông Austin diễn ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Joe Biden đối mặt với nhiều chỉ trích về việc rút quân khỏi Afghanistan.
Ngày 30-8, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời Kabul, hơn 2 tuần sau khi Taliban tiến vào thủ đô khiến hàng ngàn người hỗn loạn dồn về sân bay.
Theo giới quan sát, chuyến công du của hai quan chức cấp cao Mỹ không chỉ để gửi lời cảm ơn mà còn nhằm trấn an và tập hợp lại các đồng minh.
Nhiều đồng minh của Mỹ ở NATO đã bày tỏ hoài nghi trước quyết định rút quân của ông Biden.
Trong khi đó, các bộ trưởng quốc phòng châu Âu đang cân nhắc lập lực lượng phản ứng nhanh đối với Afghanistan để giảm sự phụ thuộc vào quyết định của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang lấn cấn về các bước tiếp theo đối với Afghanistan dưới sự kiểm soát của Taliban. Họ không thể công nhận lực lượng này nhưng cũng phải hợp tác để hỗ trợ nhân đạo.
Điều quan trọng hiện nay là đảm bảo mở cửa lại sân bay Kabul để khôi phục các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng cứu trợ.
Cuối tuần qua, một nhóm kỹ thuật từ Qatar đã giúp mở cửa lại sân bay Kabul để vận chuyển hàng cứu trợ và đi lại trong Afghanistan. Tuy nhiên vấn đề an ninh và các chuyến bay quốc tế vẫn đang được Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với Taliban.
TTO - Báo New York Times cho biết khoảng 1.000 người, bao gồm hàng chục người Mỹ và nhiều người Afghanistan có thị thực Mỹ và các nước khác, bị mắc kẹt tại thành phố Mazar-e-Sharif nhiều ngày qua.
Xem thêm: mth.47643120160901202-natsinahgfa-iohk-nauq-tur-ihk-uas-hnim-gnod-oc-gnuc-ym/nv.ertiout