Một cửa hiệu làm tóc ở thành phố Kansas, Mỹ yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang trong bức ảnh chụp ngày 9-8 giữa lúc ca nhiễm COVID-19 gia tăng - Ảnh: AP
Lúc đó, nhóm bạn bè gồm sinh viên, nhân viên, giảng viên thuộc một trường đại học lo lắng: Năm học tới sẽ ra sao với sự hiện diện biến chủng mới? Giờ thì câu trả lời đã rõ. Trong tháng 8-2021, đời sống sinh viên, hoạt động dạy học mon men nối lại như chưa từng có COVID-19. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, quy định chống dịch khắt khe trở lại theo yêu cầu của sở y tế địa phương khi chủng Delta lây lan mạnh mẽ.
Ở quận Lancaster (tiểu bang Nebraska) nơi tôi ở, trong ba tuần qua số ca nhiễm đã tăng trở lại mức màu cam sau một mùa hè xanh lá. Thang đo xanh - cam - vàng - đỏ tương ứng với tình trạng lây nhiễm từ nhẹ đến nặng. Theo cảm nhận của cá nhân tôi, cộng đồng nơi tôi đang ở chưa hô hào sống chung với dịch bệnh. Chính quyền vẫn chủ yếu khuyến khích người dân tiêm đủ vắc xin và đeo khẩu trang để ngăn ngừa virus.
Để có mặt trong khuôn viên trường, tất cả đều phải đeo khẩu trang trong không gian kín và phải liên tục làm xét nghiệm COVID-19. Bởi ở đây, chứng nhận tiêm vắc xin vẫn được xem là thông tin riêng tư và đòi hỏi tấm giấy này là một biểu hiện của sự phân biệt đối xử.
Ra khỏi khuôn viên trường là khung cảnh có phần sinh động và náo nhiệt hơn. Hòa vào những đêm thứ sáu nhộn nhịp ở khu trung tâm hay những bữa tiệc mừng năm học mới, không mấy ai màng đến những quy định chống dịch. Nhân viên các cửa hàng thực phẩm đeo khẩu trang theo bất cứ kiểu nào họ muốn. Các buổi hòa nhạc, các trận thi đấu thể thao đã diễn ra suốt mùa hè.
Không giống các sắc tộc khác như người da trắng và người gốc Phi, cộng đồng gốc Á, bao gồm người Việt, có lẽ cảnh giác hơn với COVID-19 vì họ hiểu rõ tình hình dịch bệnh ở quê nhà đang diễn biến phức tạp ra sao. Các siêu thị hay nhà hàng nơi tôi ở đều tuân thủ các quy định phòng dịch khá nghiêm túc.
Rốt cuộc, theo thông tin được sở y tế công bố rộng rãi, đến nay số ca nhiễm cộng đồng vẫn chưa có dấu hiệu giảm có lẽ là do sự "tai quái" của chủng Delta và phần lớn những người tử vong chưa từng tiêm vắc xin. Nếu những con số này xuất hiện vào thời điểm này năm ngoái, có lẽ nó sẽ gây ra lo sợ, co cụm trong cộng đồng.
Thế nhưng, giờ đây tất cả mọi người đang hưởng thụ một kết quả khác, số người chết vì COVID-19 không đáng kể nhờ tiêm chủng vắc xin và nhịp sống "bình thường mới" đã trở lại với trường học, công sở. Siêu thị, sân bóng, nhà hàng mở rộng cửa cho những ai chịu đeo khẩu trang. Có lẽ với nhiều người, đây là một "sự bình thường mới" chấp nhận được.
Vắc xin mang lại những niềm tin và hy vọng mới cho cộng đồng trước những thông tin nặng nề của đại dịch. Bản thân tôi tin chính vắc xin đã thay đổi màu sắc của bức tranh u ám này. Ở thời điểm này, hai liều vắc xin giúp tôi tự tin hòa nhập cuộc sống hơn một chút sau 14 tháng liên tục hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà (từ tháng 3-2020 đến tháng 5-2021).
Trong ba tháng hè, tôi đã đi ăn ngoài, đi du lịch ngắn ngày, gặp gỡ bạn bè và đến phòng tập. Tôi đặt lá cờ hy vọng vào một chính phủ ủng hộ khoa học và không từ nỗ lực bảo vệ cộng đồng bằng vắc xin.
Nhưng rốt cuộc thì ai nấy vẫn trung thành với niềm tin và lựa chọn của chính mình, trong lúc tranh cãi việc đeo khẩu trang hay chích vắc xin là quyền hay nghĩa vụ vẫn tiếp tục diễn ra. Người yêu thích sự tự do chấp nhận trả giá cho sự tự do mà mình muốn, đó là văn hóa Mỹ. Người cảnh giác với dịch bệnh như cộng đồng gốc Á vẫn tuân thủ 5K khi đi ra ngoài và những nơi đông người dù đã tiêm đủ vắc xin.
Quyết định đóng hay mở, tiêm hay không tiêm, tự do hay không tự do đều có cái giá của riêng nó. Tôi chỉ mong rằng khi quyết định "sống chung", mỗi người nên thận trọng để không gây hậu quả đáng tiếc cho người thân và cộng đồng.
TTO - Sự xuất hiện của chủng Delta làm đảo lộn mọi kế hoạch thoát khỏi đại dịch COVID-19 của thế giới, ngay cả với sự hỗ trợ đắc lực của vắc xin. Các chuyên gia nói đã đến lúc định nghĩa lại miễn dịch cộng đồng.
Xem thêm: mth.4295141160901202-atled-iov-ihgn-hciht/nv.ertiout