Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 6-9 - Ảnh: VGP
Tại phiên họp, bên cạnh thảo luận về một số nội dung chính như tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022…, Chính phủ cũng bàn về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19.
Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
Thủ tướng cho biết: "Vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp.
Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn. Đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân.
Do đó, chúng ta lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm, là chủ thể của phòng chống dịch".
"Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ: thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, "ai ở đâu ở đó"; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Đánh giá công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng, về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát được tình hình tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, Thủ tướng nêu rõ, "chúng ta tiếp tục tập trung nhiều công sức, thời gian cho phòng chống dịch".
Thủ tướng phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các phó thủ tướng và các bộ ngành liên quan.
Cụ thể, Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của địa phương về kinh phí phòng chống dịch để giải quyết. Bộ Lao động - thương binh và xã hội trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương có chính sách cho lực lượng tuyến đầu. Phó thủ tướng Lê Minh Khái được Thủ tướng giao thúc đẩy phần việc này.
Việc lưu thông hàng hóa, di chuyển con người phải có chỉ đạo thống nhất, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác, Phó thủ tướng Lê Văn Thành được giao trực tiếp chỉ đạo công tác này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, nghiên cứu việc thích ứng an toàn với dịch bệnh trong điều kiện mới.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phụ trách việc thúc đẩy ngoại giao vắc xin và thuốc, vật tư y tế… phục vụ phòng chống dịch.
"Phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
TTO - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng. Tổ này đã bắt đầu vào cuộc nhanh.