Steven Bartlett sáng lập công ty truyền thông xã hội Social Chain từ phòng ngủ của mình ở thành phố Manchester (Anh) khi mới 22 tuổi. Năm 2019, Social Chain trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán Dusseldorf của Đức. Doanh nghiệp này đạt giá trị vốn hóa 350 triệu USD trước khi Bartlett rời công ty vào năm 2020.
Gần đây, Bartlett được mời làm giám khảo mới cho “Dragon’s Den” – một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp tương tự “Shark Tank” và trở thành “con rồng” trẻ nhất từ trước đến nay của chương trình.
Bartlett tạo ra podcast “Nhật ký của một CEO” vào khoảng 4 năm trước chỉ với một chiếc micrô trị giá 100 USD cắm vào máy tính xách tay của mình. Chương trình này hiện được đánh giá là podcast kinh doanh hàng đầu ở châu Âu, với các khách mời từ ca sĩ Liam Payne - cựu thành viên nhóm nhạc nam One Direction - đến người sáng lập Monzo, Tom Blomfield.
Trong một tập phát sóng gần đây, Bartlett đã tiết lộ chi tiết cách doanh nhân 29 tuổi này kiếm tiền từ podcast.
Steven Bartlett. Ảnh: Getty Images
Bỏ qua khâu trung gian
Bartlett cho biết hầu hết những người làm podcast kiếm tiền từ việc chèn quảng cáo vào giữa mỗi tập. Thông thường, công ty quảng cáo podcast sẽ đóng vai trò trung gian giữa người sản xuất và các thương hiệu.
“Vấn đề là người trung gian đang nhận một khoản phí lớn, trong khi các nhãn hàng lại trả một khoản phí cố định cho mỗi lượt tải xuống, bất kể chương trình của bạn hay như thế nào, bạn là ai hay khán giả của bạn có giá trị như thế nào”, Bartlett nói.
Cách kiếm tiền từ podcast truyền thống này không đủ để Bartlett trang trải chi phí sản xuất. Vì vậy, anh quyết định bỏ qua khâu trung gian và liên hệ trực tiếp với 5 công ty mà mình thích.
Bartlett đã gửi cho CEO của những công ty này một bài thuyết trình ngắn, đưa ra lý do tại sao họ nên tài trợ cho podcast của anh, bao gồm cả sự tăng trưởng khán giả và kế hoạch tương lai của chương trình.
“Việc một người sáng tạo hay một người có ảnh hưởng đến chào mời một thương hiệu quảng cáo không được phổ biến lắm nhưng tôi tin rằng nếu bạn có đủ can đảm, kỹ năng, nỗ lực và chăm chỉ để làm điều đó, bạn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng và nó thực sự là của bạn", Bartlett chia sẻ.
Chương trình của Bartlett có 3 nhà tài trợ chính - thương hiệu dinh dưỡng Huel, nền tảng freelancer Fiverr và nhà sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo Myenergi. Các hợp đồng tài trợ đều kéo dài 12 tháng giúp doanh nhân 29 tuổi có thể lên kế hoạch dài hơi cho chương trình.
Ngoài ra, thỉnh thoảng Bartlett cũng sẽ hợp tác với một số nhãn hàng khác. Các nhà tài trợ này trả "các khoản phí khác nhau" nhưng Bartlett ước tính sẽ kiếm được 1,2 triệu USD trong năm nay.
Tính nhất quán
Trong vài năm đầu làm podcast, Bartlett "chưa bao giờ nhất quán" trong việc phát hành các tập. Tuy nhiên, khi anh quyết định cam kết phát hành một tập vào thứ hai hàng tuần, lượng khán giả đã tăng lên rõ rệt.
Theo Bartlett, điều quan trọng là phải hiểu tốc độ tăng trưởng khán giả đến từ đâu vì phần lớn các podcast mới không tự xuất hiện trên các nền tảng như Spotify và iTunes. Do đó, Bartlett thường đăng các video podcast trên Youtube bởi ứng dụng này có đề xuất video mới.
Ngoài ra, theo Bartlett, cần phải cân bằng được giữa tính nhất quán và chất lượng. Trong một vài trường hợp, các cuộc phỏng vấn cho podcast không được phát sóng vì Bartlett nghĩ rằng cuộc trò chuyện chưa đủ “giá trị” để chia sẻ với người nghe. Việc đặt ra tiêu chuẩn giúp anh cải thiện chất lượng nội dung.
Về chi phí, Bartlett cho biết anh đã chi khoảng 40.000 bảng Anh (54.856 USD) cho thiết bị, cũng như thuê 8 người tham gia vào quá trình sản xuất podcast. Anh cũng nói thêm rằng chi phí làm podcast có thể rẻ hơn đáng kể nếu không quay video.
Xem thêm: nhc.45053443160901202-tsacdop-ut-dsu-ueirt-meik-hcac-ol-teit-iout-92-nahn-hnaod/nv.fefac