Lực lượng đặc nhiệm Guinea trong cuộc đảo chính ngày 5-9 - Ảnh: REUTERS
Tình hình kinh tế khó khăn của Guinea được dự báo sẽ càng thê thảm sau biến cố chính trị mới nhất.
Một đơn vị quân đội đã nổi dậy, tuyên bố giải tán chính phủ, áp lệnh giới nghiêm từ 20h ngày 5-9 (giờ địa phương). Hiện chưa rõ số phận tổng thống Guinea, ông Alpha Conde, lúc này ra sao. Một đoạn video cho thấy ông Conde đã bị các binh sĩ đảo chính bao vây.
Tổng thống Conde sinh năm 1938, đã tuyên thệ nhiệm kỳ thứ ba tháng 12 năm ngoái, và từng cam kết sẽ đấu tranh chống tham nhũng.
Khi lên nắm quyền năm 2010, ông Conde được ca ngợi vì đã mở ra chế độ dân chủ. Tuy nhiên việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đã gây ra làn sóng phản đối.
Ông Conde tái cử sau một cuộc trưng cầu ý dân để thay đổi hiến pháp. Nhà lãnh đạo 83 tuổi này từng làm trong ngành giáo dục. Ông bị cáo buộc đã thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến.
"Chúng ta sẽ không còn phó mặc chính trị cho một người nữa. Chúng ta sẽ giao phó chính trị cho người dân. Chúng tôi chỉ tới đây vì mục đích này. Đây là nhiệm vụ của một người lính, nhiệm vụ cứu đất nước", lãnh đạo phe đảo chính Doumbouya nói trong bài phát biểu tối 5-9.
Nguyên do của cuộc nổi dậy lần này xuất phát từ thực trạng biểu tình bạo lực gia tăng nhằm phản đối việc sửa hiến pháp. Bên cạnh đó, nền kinh tế Guinea cũng là nguyên nhân khiến giọt nước tràn ly.
Theo Hãng tin Reuters, trong vài tuần qua chính phủ của ông Conde đã tăng thuế mạnh để có thêm nguồn thu ngân sách và tăng giá nhiên liệu lên 20%. Sự việc khiến dư luận ở quốc gia Tây Phi này vô cùng bức xúc.
Mặc dù các nước và nhiều tổ chức quốc tế đã lên án vụ đảo chính, song tường thuật của một số cơ quan báo chí quốc tế từ đường phố Guinea cũng ghi nhận có một bộ phận dân chúng ở thủ đô Conakry đã… ăn mừng sau biến cố chính trị.
Tổng thống Guinea Alpha Conde - Ảnh: REUTERS
Theo bà Alexis Arieff - chuyên viên tại cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ Congressional Research Service (CRS), các cuộc đảo chính và binh biến không có gì lạ ở khu vực Tây Phi. Tuy nhiên tình hình "thụt lùi dân chủ" ở đây ngày càng nghiêm trọng trong nhiều năm qua.
Tổng thống Conde cũng như lãnh đạo quốc gia láng giềng Bờ Biển Ngà đều đổi luật để kéo dài thời gian được tại nhiệm. Trong khi đó, các nước giáp biên hoặc gần Guinea như Mali và Cộng hòa Chad cũng đã chứng kiến những cuộc đảo chính quân sự.
Trong một thập niên ông Conde lãnh đạo, kinh tế Guinea tăng trưởng bền vững nhờ vào nguồn khoáng sản phong phú như bôxit (bauxite), quặng sắt, vàng, kim cương…
Theo Bloomberg, Guinea và Úc là các nước cung cấp bôxit lớn nhất cho Trung Quốc. Guinea bán khoảng 82,4 triệu tấn bôxit ra toàn cầu trong năm ngoái, và phần lớn xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên truyền thông quốc tế, trong đó có Reuters, lại cho biết rất ít người dân Guinea được hưởng lợi từ thành tựu kinh tế. Họ chỉ trích chính quyền về chia rẽ sắc tộc, đàn áp bất đồng chính kiến, gia tăng cạnh tranh chính trị và tham nhũng.
Trong tuyên bố vừa qua, ông Doumbouya nói: "Nếu các anh thấy tình trạng đường sá, bệnh viện của chúng ta, các anh sẽ nhận ra giờ là lúc chúng ta phải tỉnh giấc. Chúng tôi sẽ khởi động một cuộc tham vấn toàn quốc nhằm mở ra một cuộc chuyển giao hòa bình và toàn diện".
TTO - Các lực lượng đặc nhiệm Guinea tuyên bố đã giải tán chính phủ, đóng cửa biên giới, ban hành giới nghiêm sau cuộc đảo chính ngày 5-9. Liên minh châu Phi, Liên Hiệp Quốc lên tiếng chỉ trích và kêu gọi thả Tổng thống Alpha Conde.
Xem thêm: mth.29673303160901202-hnihc-oad-ar-yax-aeniug-nas-gnaohk-couq-gnouc-oas-iv/nv.ertiout