Đà Nẵng tiếp tục thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” để quyết tâm bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động nhưng chỉ tối đa 30% số lượng lao động tại đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị, DN phải đảm bảo “3 tại chỗ” trong thời gian này.
Cắn răng chấp nhận tốn kém
Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (chuyên cung cấp thùng carton cho các công ty xuất khẩu-PV), cho biết khoảng 300 công nhân của đơn vị đang thực hiện 3 tại chỗ.
Công ty đã kích hoạt đồng loạt các biện pháp chống dịch ở mức cao nhất, phân chia từng khu vực ăn ở, sinh hoạt cho từng ca kíp, bộ phận để đảm bảo giãn cách. Người lao động được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 liên tục. Riêng nhóm có tiếp xúc với bên ngoài như lái xe, bảo vệ… được xét nghiệm với tần suất 3 lần/ngày. Hiện toàn bộ công nhân này đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19.
“Đây là mùa cao điểm nên công ty phải nỗ lực để đáp ứng đơn hàng với giá cả, tiến độ như cũ mặc dù chi phí sản xuất không hề như cũ. Tất nhiên là có khó khăn nhưng DN phải chấp nhận.
Chúng tôi đang làm tốt nhất có thể, chấp nhận tốn kém chi phí để giữ được “vùng xanh” sản xuất, không để đứt gãy đơn hàng vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín DN cũng như công ăn việc làm của công nhân sau dịch”- ông Thống nói. Ông cũng cho rằng các biện pháp mạnh của TP hiện nay là rất cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân để sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: TÂM AN.
Ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch công đoàn Công ty Mabuchi Motor (Khu công nghiệp Hòa Khánh), cho hay công ty chỉ duy trì một số bộ phận cần thiết làm việc 3 tại chỗ, bố trí người lao động ở các khu vực khác nhau, tăng cường giám sát, quan triệt rõ không được giao lưu giữa các phòng.
Công nhân tắm rửa, ăn uống theo giờ giấc khác nhau để tránh tập trung đông người, đặc biệt khu vực nhà ăn có đánh số, quy định vị trí của từng người. Ngoài việc xét nghiệm 3 ngày/lần, hơn 1.000 lao động công ty đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1.
“Đây là lần đầu tiên công ty thực hiện 3 tại chỗ, tuy có khó khăn nhưng anh em hợp tác, tuân thủ tốt quy định, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào trong công ty”- ông Tân nói.
Trong khi đó, ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, thông tin từ giữa tháng 7, công ty đã kích hoạt mô hình 3 tại chỗ để sắp xếp khu vực làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí cho khoảng 60 lao động Quảng Nam không thể về quê do dịch.
Chủ trương của DN là cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của công nhân ở mức cao hơn hoặc bằng so với ở nhà. Công ty bố trí phòng tắm, lắp vòi hoa sen, wifi, phòng giặt, khu phơi quần áo thuận tiện cho người lao động. Công nhân được miễn phí 3 bữa ăn trong ngày, tất cả bữa tối đều là bữa đặc biệt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để phục vụ nhu cầu giải trí của công nhân, công đoàn đã bố trí hai sân cầu lông, lắp đặt thêm các máy tập thể dục.
“Hiện đơn hàng rất nhiều nên công ty rất cần lao động. Nếu để đứt gãy chuỗi sản xuất, đối tác sẽ chuyển sang đặt hàng với các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, Myanmar, Đài Loan”- ông Vũ cho hay.
Mong doanh nghiệp đồng hành chống dịch
Tuy nhiên, các DN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi TP thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp Đà Nẵng (Ban quản lý) cho biết, qua khảo sát có khoảng 25% DN không thống nhất chủ trương kéo dài thời gian phong tỏa thêm 3 ngày của TP, trong đó có những DN lớn. Một trong những lý do là chi phí thực hiện 3 tại chỗ là rất lớn, nếu kéo dài sẽ tạo áp lực không nhỏ cho DN, chưa kể tâm sinh lý, sức khỏe công nhân cũng bị ảnh hưởng.
Ông Sơn kiến nghị TP tính toán phương án hỗ trợ cho DN theo 3 trường hợp. Một là đối với các DN đã thực hiện 3 tại chỗ nhưng muốn dừng lại vì không đủ nguồn lực làm tiếp thì về lại như thế nào.
Hai là DN chưa thực hiện 3 tại chỗ nhưng giờ muốn triển khai để giảm áp lực đơn hàng. Ba là DN đang 3 tại chỗ nhưng muốn đổi ca, đổi kíp, bổ sung nguyên vật liệu, thực phẩm vì trước đó chỉ kịp chuẩn bị cho 7 ngày. Theo thống kê có khoảng 14 DN đăng ký 3 tại chỗ mới.
Các công nhân vừa sản xuất tại nhà máy vừa đảm bảo chống dịch. Ảnh: TÂM AN.
Nhiều DN cũng kiến nghị TP xem xét giảm tần suất xét nghiệm trong thời gian công nhân thực hiện 3 tại chỗ tại công ty.
“Có những vấn đề trong thẩm quyền của ban quản lý như vận chuyển, cấp giấy phép, phù hiệu cho các xe thì chúng tôi cũng cố gắng tiếp nhận giải quyết kể cả làm ngoài giờ, đêm hôm để cấp sớm cho DN. Riêng việc xét nghiệm thì DN ý kiến rất nhiều.
Họ nói công công nhân 3 tại chỗ trước khi vào công ty đã được xét nghiệm âm tính, giờ yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần sẽ tạo thêm áp lực cho DN, chẳng hạn nếu DN 500 công nhân thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng. Hộ gia đình xét nghiệm thì được ngân sách TP hỗ trợ, họ cũng là công dân TP nên kiến nghị TP xem xét hỗ trợ DN khoản chi phí này”- ông Sơn nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, lãnh đạo TP rất chia sẻ với những khó khăn của DN. Bởi vậy, dù rất nhiều ý kiến đề xuất TP kéo dài thời gian phong tỏa thêm 7 ngày nhưng chính vì tính toán, cân nhắc đến lợi ích, khó khăn của DN nên TP quyết định chỉ thêm ba ngày. Đây là thời gian cần thiết để bóc hết F0 khỏi cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
“Ban quản lý phải giải thích rất rõ với các DN để có sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành với lãnh đạo TP, làm sao hài hòa giữa lợi của DN và lợi ích chung của xã hội”- ông Quảng nói.
Về việc thay ca, thay người, bổ sung lao động, ông Quảng cho rằng là rất cần thiết và đề nghị Ban quản lý phải làm việc với các DN để có phương án cụ thể, đảm bảo phòng chống dịch thì mới thực hiện. Riêng đề xuất giảm tần suất xét nghiệm, ông đề nghị Sở Y tế xem xét và có hướng dẫn cho DN.