Trong danh sách Top 5 cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hoá tỉ USD trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp top đầu là VCB, VIC, VHM, HPG, VNM.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, Ngân hàng Vietcombank (mã HOSE: VCB) ước tính mất đi thu nhập lãi trong nửa cuối năm 2021 khoảng 1.800 tỉ đồng khi triển khai các gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức giảm lãi suất lên đến 1%/ năm.
VCB có kế hoạch chi trả cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019, thực hiện trong nửa cuối năm. Kế hoạch đã được trình lên Chính phủ và ngân hàng đang chờ phê duyệt. Kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tập đoàn Vingroup (mã HOSE: VIC) vừa thông báo hoàn tất phát hành 422,8 triệu cổ phiếu để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2020 với tỉ lệ gần 12,5%. Sau phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ Vingroup đã tăng lên 38.676 tỉ đồng. Số cổ phiếu phát hành mới dự kiến được niêm yết trong khoảng tháng 9-10. Với quy mô mới, Vingroup đã vươn lên thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán.
VHM công bố kế hoạch chia cổ tức 15% bằng tiền mặt, thanh toán vào ngày 1.10.2021. VHM sẽ chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối với 45% vốn điều lệ. Vinhomes cũng sẽ phát hành mới hơn 1 tỉ cổ phiếu VHM để trả cổ tức, tương ứng tỉ lệ thực hiện quyền 30%, đồng nghĩa cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận về 300 cổ phiếu mới.
Hiện nhóm cổ phiếu ngành thép đang được sự quan tâm. Khi xuất khẩu vào EU tăng mạnh, thép Việt Nam có lợi thế lớn về giá thành. Theo các chuyên gia của VDSC, chênh lệch giá giữa EU và Việt Nam ngày càng nới rộng và dao động trong khoảng 300-530 USD/tấn. VDSC ước tính biên lợi nhuận gộp của các nhà xuất khẩu thép ở Việt Nam có thể dao động từ 15%-25% trong nửa cuối năm 2021.
Trong năm 2022, VDSC kỳ vọng mức chênh lệch giá thép cao giữa Châu Âu-Bắc Mỹ và Việt Nam cho phép HPG xuất khẩu với lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu tôn mạ có thể vẫn tích cực nhờ giá thép cạnh tranh ở Việt Nam và lĩnh vực xây dựng ở EU-Bắc Mỹ có thể tiếp tục phục hồi.
Các chuyên gia của BSC vừa công bố báo cáo nhận định triển vọng của Vinamilk (Mã HOSE: VNM) trong 6 tháng cuối năm khi biên lợi nhuận gộp dự kiến cải thiện và sẽ thể hiện vào quý III.
Theo đó, trong bối cảnh một số tỉnh, thành trên cả nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và nhằm đón đầu nhu cầu hồi phục sau khi dịch COVID-19 cũng như việc học sinh trở lại trường, Vinamilk đã tăng cường nhập hàng đáp ứng nhu cầu tích trữ hàng hóa, đồng thời tăng giá bán từ tháng 5.
Do đó, theo các chuyên gia, động thái ấy sẽ giúp biên lợi nhuận của Vinamilk phục hồi sau khi đạt mức 43,6% trong quý II, duy trì ngang mức quý I và giảm 2,45 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.
Xem thêm: odl.074059-dsu-it-aoh-nov-nol-gno-auc-naohk-gnuhc-am-5-pot--mnv-gph-mhv-civ-bcv/et-hnik/nv.gnodoal