Huyền thoại đầu tư Warren Buffett và siêu sao Hollywood Daniel Craig có điểm gì chung ngoài việc họ giàu có? Câu trả lời là quan điểm trong việc dạy con cái về tiền bạc. Họ đều quyết định không để cho các con kế thừa khối tài sản kếch xù của mình.
Kevin O’Leary, doanh nhân người Canada sở hữu 400 triệu USD cũng có ý định tương tự. Thay vì để lại tài sản cho con, ông chỉ lập ra một quỹ để hỗ trợ chúng ở mức độ nhất định.
Khi kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên, Kevin đã ngồi bàn bạc cùng người quản lý tài sản của mình để thành lập quỹ chu cấp cho các con từ lúc sinh ra đến ngày cuối cùng ở trường đại học của chúng. Sau đó, tất cả sẽ nhận được con số 0.
Vị triệu phú cho biết ông làm như vậy vì muốn các con không mất đi khả năng làm việc chăm chỉ cũng như tìm kiếm thành công trong sự nghiệp.
"Chẳng có bữa trưa nào là miễn phí. Đó là điều đúng đắn nên làm. Bạn sẽ hại các con khi loại bỏ khả năng sinh tồn và phát triển của chúng bằng cách quá bao bọc hay chu cấp đầy đủ khi chúng đã trưởng thành. Các cháu nội ngoại của tôi cũng sẽ được hưởng ‘chế độ’ hỗ trợ như cha mẹ chúng".
Kevin cho biết sở dĩ ông "phũ" với các con như vậy là do học được giá trị của đồng tiền khi mẹ của ông tuyên bố cắt trợ cấp tài chính vào thời điểm ông học xong đại học.
"Bà ấy cho rằng điều đó sẽ làm hỏng tôi và sau này là lũ trẻ. Tôi nghĩ mẹ tôi đã rất đúng đắn khi cứng rắn như vậy. Ngày nay, nhiều người giàu làm hư con cái vì quá chiều chuộng, đáp ứng mọi nhu cầu vật chất. Dần dần, chúng sẽ ỷ lại và không màng đến bất cứ việc gì bởi cuộc sống đã quá đầy đủ".
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, khi được hỏi dạy con như thế nào về tiền bạc, Kevin cho biết: "Chúng biết rằng khi kết thúc đại học, tôi sẽ không cho chúng thêm bất cứ xu nào. Tôi đã đẩy chúng ra khỏi tổ. Con chim non bỏ mạng là con chim không nghĩ đến tương lai rằng một ngày nào đó, nó sẽ không được bố mẹ mớm ăn nữa.
Tôi thường nói với các bậc cha mẹ giàu có rằng nếu không đẩy chúng ra ngoài đường để chịu áp lực của cuộc sống thực ngoài kia, chúng sẽ không thể thành công. Khi các con của tôi học xong đại học, tôi cũng làm như vậy và chúc chúng may mắn. Sẽ không có chuyện tôi mua ô tô hay nhà cho chúng bằng tiền của mình chứ chưa nói đến việc tôi để chúng thừa kế tài sản".
Sau đó, vị triệu phú chia sẻ một cách để lập quỹ hỗ trợ cho các con: Bắt đầu từ khi trẻ khoảng 5 tuổi (đã hiểu biết đôi chút về tiền), mỗi lần chúng được cho hay thưởng tiền, hãy lập một tài khoản tiết kiệm do bạn đứng tên.
"Cầu kì" hơn, bạn có thể trích một khoản nhỏ trong đó để đầu tư vào cổ phiếu blue chip. Đây là loại cổ phiếu do những công ty có vốn hóa thị trường lớn và có uy tín phát hành, đem lại lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư dù đứng trước sự thay đổi hay suy thoái thị trường. Sau đó, khi các con lớn hơn, khoảng 11 tuổi trở lên, bạn có thể trao lại tài khoản này cho chúng đồng thời hướng dẫn chúng xây dựng thêm hoặc sử dụng phù hợp.
Nguồn: CNBC
Gia Vũ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị