Theo Cục Hàng không, việc áp giá sàn bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa chỉ là giải pháp mang tính tình huống trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Việc áp dụng giá sàn (mức giá tối thiểu) được áp dụng từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-10 -2022.
Theo khung giá vé máy bay nội địa không có giá sàn, hoặc có thể hiểu giá sàn bằng 0. Nhưng theo đề xuất của Cục Hàng không, nếu áp dụng giá sàn bằng 20% so với giá tối đa (giữ nguyên như hiện nay), khung giá vé máy bay hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa sẽ như sau:
Theo Cục Hàng không, khung giá vé máy bay nội địa quy định hiện nay đã được áp dụng từ năm 2015. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu sụt giảm mạnh làm các hãng bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Việc này dẫn đến tình trạng các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Về mặt dài hạn, trong bối cảnh thị trường hàng không phát triển bình thường, theo thông lệ quốc tế, Cục Hàng không đề xuất quản lý giá vé máy bay nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết. Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng theo quy định của Luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines (hãng hàng không quốc gia), giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines), Cục Hàng không cho rằng việc ban hành thông tư quy định giá sàn trên các đường bay nội địa từ ngày 1-11-2021 đến 31-10-2022 theo đề xuất trên là cần thiết.
Theo Cục Hàng không, tháng 7-2021, Vietnam Airlines đã kiến nghị quy định mức giá tối thiểu trong khung giá vé máy bay phổ thông cơ bản trong giai đoạn thị trường có sự biến động bất thường do đại dịch COVID-19. Vietnam Airlines đề xuất Bộ Giao thông vận tải triển khai tình huống điều tiết giá thông qua giá sàn nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines và góp phần bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Vietnam Airlines kiến nghị mức giá sàn vé máy bay bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá và thực hiện trong 36 tháng như kinh nghiệm Trung Quốc từng áp dụng trong giai đoạn 2004-2013.
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng mức giá tối thiểu như trên là cao vì tương đương với chi phí bình quân trên ghế của các đường bay nội địa của Vietnam Airlines năm 2019; không hợp lý khi mức giá tối thiểu bằng với mức giá bình quân dẫn đến hạn chế việc đi máy bay của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp; chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay nội địa là khác nhau và đa phần là thấp hơn Vietnam Airlines.
Giá bình quân như trên là mức cao nhất trong số các quốc gia đã từng áp dụng; mức giá này tương đương với mức giá cao nhất là giường nằm khoang 4 điều hòa của tàu hỏa và gấp 2 lần giá vé ôtô và hạn chế tính cạnh tranh và khả năng khôi phục thị trường vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam. Thời gian áp dụng 36 tháng là quá dài khi đây là chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá sàn với vé máy bay nội địa và nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines), Cục Hàng không đề xuất áp dụng mức giá sàn là 20% giá tối đa hiện nay, thời gian áp dụng 12 tháng.
TTO - Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh, các hãng bay nỗ lực kích cầu bằng cách 'đại hạ giá' vé, thậm chí có vé chỉ 6.000 - 9.000 đồng/vé (chưa bao gồm thuế phí) ngay trong dịp hè.