Bất chấp việc mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục đi xuống trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vẫn ồ ạt huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu với lãi suất gấp tới 34-115% lãi suất ngân hàng. Hấp lực lãi suất cao cũng đi kèm với các rủi ro lớn khi số lượng doanh nghiệp phá sản, rời bỏ thị trường đã vượt con số mở mới trong 8 tháng đầu năm.
Lãi suất cao, không tài sản đảm bảo
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dẫn số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho hay, chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm, có tới 376 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt hơn 235.000 tỉ đồng. Nhóm các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tiếp tục xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành gần 76.000 tỉ đồng. Trong đó, một số công ty và dự án nổi bật như Alpha City (huy động 8.060 tỉ đồng trái phiếu phát hành bởi Cty CP Đầu tư Golden Hill và Cty CP Đầu tư Voyage), Vingroup (4.375 tỉ đồng) và Hưng Thịnh Quy Nhơn (4.000 tỉ đồng). Đáng chú ý là trong tổng số gần 76.000 tỉ đồng trái phiếu được các doanh nghiệp BĐS phát hành trong các tháng đầu năm, có khoảng 15% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành cũng dao động ở mức khá cao, trong khoảng 8-13%/năm.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tính đến thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND cao nhất được các ngân hàng thương mại áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ dao động trong khoảng 5,5-6%/năm. Mức lãi suất lên tới 8-13% của lượng TPDN nói trên cao hơn xấp xỉ 33 - 115%/năm lãi suất ngân hàng và sức hấp dẫn này lý giải vì sao TPDN liên tục đắt hàng trong thời gian qua.
Chặn ngay từ đầu ra trái phiếu
Tuy nhiên con số 86.000 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm, cao hơn con số gần 82.000 doanh nghiệp được thành lập mới, gây lo lắng về những rủi ro đối với người mua TPDN cũng như việc quyền lợi của nhà đầu tư sẽ như thế nào khi doanh nghiệp phát hành phá sản. Thực tế trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các cảnh báo về những rủi ro phát sinh trong việc đầu tư TPDN, đặc biệt là người mua bị cuốn vào thị trường chỉ bởi hấp lực từ mức lãi suất cao.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), hiện có nhiều nhà đầu tư cá nhân bị cuốn hút khi tham gia đầu tư TPDN bởi mức lãi suất cao, trong khi một loạt vấn đề được đặt ra như nền tảng pháp lý hiện tại đã đủ để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân khi họ tham gia thị trường này, hay việc các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện đầy đủ các quy định pháp lý nhằm đảm bảo, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân? Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, đây là những yếu tố mà thời gian qua VBMA, Bộ Tài chính và nhiều đơn vị trên thị trường đã liên tục thảo luận, đưa ra giải pháp từng bước giúp nâng cao năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro của nhà đầu tư cá nhân.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinRatings - nhà đầu tư cá nhân hiện gặp rất nhiều rủi ro khi đầu tư TPDN, đặc biệt là khi tổ chức phát hành không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc đúng hạn. Tiếp đến là rủi ro nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, không bán được với mức giá kỳ vọng, hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Thực tế này dẫn đến dù TPDN có lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương ứng với lãi suất.
Từ thực tế các nhà đầu tư cá nhân ít có khả năng nhận định, lường trước các rủi ro khi tham gia thị trường, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài Chính) - cho hay, tới đây việc phát hành TPDN riêng lẻ sẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, những người có khả năng nhận biết, đánh giá khả năng rủi ro khi đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân chỉ có thể tiếp cận các đợt phát hành ra công chúng và Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ là đơn vị cấp phép chào bán, yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi. Đáng chú ý từ ngày 1.1.2023, doanh nghiệp phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo đánh giá của ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký VBMA - việc bóc tách như trên giúp có bước chặn ngay từ đầu để nhà đầu tư cá nhân không thể tiếp cận TPDN riêng lẻ. Còn doanh nghiệp muốn tiếp cận nhà đầu tư cá nhân phải chấp nhận phương thức phát hành ra công chúng với chuẩn mực cao hơn về quản trị doanh nghiệp, sự minh bạch và phải có lãi.
Dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư
Đầu tháng 9.2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp. Uỷ ban chứng khoán nhà nước (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất. L.D
Xem thêm: odl.901059-peihgn-hnaod-ueihp-iart-ut-uad-ahn-yav-aub-oad-aul-or-iur/et-hnik/nv.gnodoal