Tờ CNBC đưa tin, không bằng lòng với việc mãi phụ thuộc vào các loại chip tiêu chuẩn vốn đang có nhu cầu rất cao, một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang phát triển dòng chip của riêng họ.
Cụ thể, Apple, Amazon, Facebook, Tesla và Baidu đều đang nhắm tới việc phát triển các loại chip riêng.
Syed Alam, trưởng bộ phận bán dẫn toàn cầu tại Accenture nói với CNBC rằng: "Càng ngày, các công ty này càng muốn có các loại chip sản xuất tùy chỉnh phù hợp với các yêu cầu cụ thể của ứng dụng hơn là sử dụng các chip chung chung như các đối thủ cạnh tranh của họ".
"Điều này cho phép họ kiểm soát nhiều hơn việc tích hợp phần mềm và phần cứng đồng thời phân biệt chúng với các đối thủ cạnh tranh", Alam nói thêm.
Russ Shaw, cựu giám đốc của Dialog Semiconductor có trụ sở tại Anh nói với CNBC rằng các chip được thiết kế riêng có thể hoạt động tốt hơn và rẻ hơn.
Shaw cho biết: "Những con chip được thiết kế riêng biệt này có thể giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng cho các thiết bị và sản phẩm của một công ty công nghệ cụ thể, cho dù là điện thoại thông minh hay dịch vụ đám mây".
Glenn O’Donnell, giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester nói với CNBC rằng tình trạng thiếu chip toàn cầu đang diễn ra căng thẳng cũng là một lý do khiến các công ty công nghệ lớn phải đắn đo suy nghĩ về việc họ sẽ lấy chip từ đâu. "Đại dịch đã tạo ra một chìa khóa lớn trong các chuỗi cung ứng, càng thúc đẩy nỗ lực sản xuất chip của riêng họ. Nhiều đơn vị đã cảm thấy bị hạn chế về tốc độ đổi mới khi bị gắn chặt vào các mốc thời gian mà các nhà sản xuất chip đưa ra".
Hiện nay, gần như không có tháng nào trôi qua mà không có một thông báo về dự án chip mới của Big Tech. Ví dụ đáng chú ý nhất là vào tháng 11/2020 khi Apple thông báo họ sẽ ngưng sử dụng kiến trúc x86 của Intel để tạo ra bộ vi xử lý M1 của riêng mình, hiện có trong các dòng iMac và iPad mới.
Gần đây, Tesla đã thông báo rằng họ đang xây dựng một con chip có tên "Dojo" để đào tạo mạng trí tuệ nhân tạo trong các trung tâm dữ liệu. Năm 2019, nhà sản xuất ô tô này bắt đầu sản xuất ô tô với chip AI tùy chỉnh giúp phần mềm tích hợp đưa ra quyết định phản ứng với những gì đang xảy ra trên đường.
Baidu tháng trước đã ra mắt chip AI được thiết kế để giúp các thiết bị xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tăng cường sức mạnh tính toán. Baidu cho biết chip "Kunlun 2" có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như xe tự hành và đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Một số gã khổng lồ công nghệ khác thì chọn giữ kín thông tin về các dự án sản xuất chip của mình.
Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ Google được cho là đang tiến gần hơn đến việc tung ra các bộ xử lý trung tâm hoặc CPU của riêng mình cho máy tính xách tay Chromebook. Gã khổng lồ tìm kiếm có kế hoạch sử dụng CPU của mình trong Chromebook và máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Chrome của công ty từ khoảng năm 2023, theo một báo cáo từ Nikkei Asia vào ngày 1/9. Hiện Google không trả lời câu hỏi từ CNBC.
Amazon, công ty vận hành dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới thì đang phát triển chip mạng lưới của riêng mình để cung cấp năng lượng cho các thiết bị chuyển mạch phần cứng di chuyển dữ liệu xung quanh các mạng. Nếu thành công, việc này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Amazon vào Broadcom.
Một nhà khoa học AI của Facebook nói với Bloomberg vào năm 2019 rằng công ty đang nghiên cứu một loại chất bán dẫn mới có thể hoạt động "rất khác" so với hầu hết các thiết kế hiện có. Tuy nhiên kể từ đó, chưa có thêm bất kỳ thông tin nào xung quanh dự án này.
Thiết kế nhưng không sản xuất
Hào hứng thiết kế là vậy nhưng theo CNBC, ở giai đoạn này, không có gã khổng lồ công nghệ nào muốn tự mình phát triển tất cả các loại chip.
Shaw nói: "Vấn đề bây giờ chỉ là thiết kế và hiệu suất của con chip. Ở giai đoạn này không phải là về sản xuất - công đoạn vốn rất tốn kém".
Việc thiết lập một nhà máy sản xuất chip tiên tiến như TSMC ở Đài Loan sẽ tốn khoảng 10 tỷ USD và mất vài năm.
"Ngay cả Google và Apple cũng đang rất thận trọng trong việc xây dựng những thứ như thế này. Họ sẽ tìm đến TSMC hoặc thậm chí là Intel để giúp xây dựng chip cho mình".
O’Donnell cho biết ở Thung lũng Silicon đang thiếu những người có các kỹ năng cần thiết để thiết kế bộ vi xử lý cao cấp. Ông nói: "Thung lũng Silicon chú trọng quá nhiều vào phần mềm trong vài thập kỷ qua đến nỗi kỹ thuật phần cứng có phần lạc hậu".
Khủng hoảng chip toàn cầu
Chip bán dẫn là thành phần thiết yếu trong mọi sản phẩm điện tử, dù là một chiếc điều khiển TV đơn giản hay một siêu máy tính được sử dụng trong mô phỏng các hình thái thời tiết. Loại này vốn có giá thành không hề cao nhưng bỗng nhiên trở thành mặt hàng rất khan hiếm. Tình trạng thiếu chất bán dẫn có nguyên nhân do những gián đoạn từ tác động của đại dịch và vấn đề sản xuất tại các nhà máy chip trị giá hàng tỷ USD. Điều này đã gây ra những cú sốc cho toàn bộ nền kinh tế.
Hiện tại, ở Mỹ, tác động lớn nhất của tình trạng này có thể kể đến việc các nhà máy sản xuất ô tô lớn buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, vấn đề còn ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, đặc biệt là các hệ thống máy chủ và PC được sử dụng để cung cấp, sử dụng các dịch vụ internet – vốn rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch.
Pat Gelsinger – CEO mới của Intel, cho biết: "Mọi khía cạnh của cuộc sống đều được đăng tải lên mạng và mọi khía cạnh đều ‘chạy’ bằng chất bán dẫn'.
Tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn, do một loạt sự gián đoạn xảy ra, ví dụ nhà máy chip Renesas Electronics Nhật Bản bị cháy, hạn hán ở Đài Loan và đợt rét đậm ở Texas khiến các nhà máy của Samsung, NXP Semiconductors và Infineon tạm thời dừng hoạt động.
"Mọi thứ hiện tại không khác gì địa ngục trần gian", theo Frank McKay – CPO của Jabil – công ty mua hàng tỷ USD chip mỗi năm để lắp ráp sản phẩm cho các khách hàng gồm Apple, Amazon, Cisco Systems và Tesla. Ông cho biết, ngày nào cũng vậy, công ty của ông phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 100 linh kiện và phải nỗ lực đàm phán hết sức để có được, "tình hình hiện tại lên xuống như tàu siêu tốc".
Nguồn: CNBC, Bloomberg
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.82541159070901202-pihc-mal-uahn-aud-elgoog-alset-nozama-elppa-uaig-ahn-ag-cac-oas-iv/nv.zibefac