"Tiền mất, tật mang"
Thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy vậy, một số kẻ xấu đã lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người khác với muôn vàn chiêu trò lừa đảo tinh vi, khó lường.
Trước đó, sự việc chị N.T.M.H (ở thị trấn Đak Đoa, Gia Lai) bị kẻ gian rút 126 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
Theo thông tin chị H. cung cấp, chị nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên công ty điện lực cùng thông báo tới gia chủ là chị này bị phạt số tiền 60 triệu đồng vì tự ý sửa chữa công tơ điện, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Ngay sau đó, đối tượng nối máy cho chị H. gặp một người đàn ông khác xưng là cán bộ công an và thông báo chị H. bị công ty điện lực kiện và bị truy nã vì bán hồ sơ cho các đối tượng phạm tội.
Đối tượng mạo danh công an yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Thấy chị H. chỉ cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng này tiếp tục hướng dẫn chị H. tải ứng dụng “bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để công an kiểm tra.
Do tin tưởng, chị H. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 126 triệu đồng.
PV Người Đưa Tin đã liên hệ được một số bị hại, là nạn nhân của những vụ lừa đảo tương tự. Chị N.T.T (30 tuổi, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) kể lại: “Hôm đó tôi đang ngồi làm việc bỗng nhận được một tin nhắn từ tài khoản facebook tên “Vinh Ngo”. Thoạt đầu nhìn tên chủ tài khoản và xem ảnh đại diện, tôi tin tưởng đây là một người bạn của mình, tên là Vịnh; nhưng tôi và người này ít khi nói chuyện. Hôm đó, người này gửi cho tôi đường link và hình ảnh một bé gái rất xinh nói là “cậu đăng nhập vào link này để bầu chọn cho con đoạt giải trong chương trình “tài năng nhí” giúp tớ với nhé”. Vì muốn giúp bạn nên tôi làm theo hướng dẫn, đăng nhập vào đường link mà người này gửi sẵn với các thông tin về cá nhân và cả mật khẩu facebook của mình. Sau đó tôi tắt facebook, làm việc tiếp mà không mảy may nghĩ ngợi gì thêm”.
Chị T. kể tiếp: “Khoảng 30 phút sau, một người em đồng nghiệp gọi điện cho tôi hỏi “Chị T. ơi, chị vừa nhắn tin vay tiền em à”. Tôi nói “không” và lúc này mới biết mình bị lừa. Ngay lập tức tôi đăng nhập lại vào tài khoản facebook của mình thì đã bị khóa. Tôi nhanh chóng gọi điện cho những người hay chuyển tiền với tôi thông báo lại sự việc, đồng thời nhờ một người bạn đăng thông tin lên mạng rằng tài khoản facebook của tôi bị hack, mọi người tuyệt đối không chuyển tiền cho tôi trong thời gian này và tôi cũng nhanh chóng báo việc này lên cơ quan công an. Mặc dù tôi chưa bị mất tiền trong tài khoản nhưng chính một cậu em của tôi lại là bị hại”.
Theo thông tin chị N.T.T cung cấp, PV Người Đưa Tin tiếp tục liên hệ với anh L.V.T (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), em của chị N.T.T.
Anh L.V.T cho hay: “Hôm đó tôi nhận được tin nhắn từ facebook chị T. hỏi vay tôi 10 triệu đồng và yêu cầu tôi nhắn tin vào một số tài khoản khác, tên chủ tài khoản là Nguyễn Văn Long, mà không phải là số tài khoản của chị T. như mọi khi. Do trước đó chị T. cũng một vài lần nhờ tôi chuyển tiền nên tôi không nghi ngờ gì. Nhưng vì tài khoản của tôi không đủ 10 triệu nên tôi cũng chỉ chuyển vào tài khoản tên Nguyễn Văn Long 6 triệu đồng. Tôi vừa chuyển tiền được một lúc thì thấy chị T. gọi điện đến mếu máo nói là tài khoản facebook bị kẻ xấu đánh cắp, yêu cầu không được chuyển tiền thì sự việc đã rồi”.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, anh L.V.T. khuyên nhủ: “Mọi người tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link không rõ nguồn gốc; không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản, mật khẩu cho bất kỳ ai. Nếu nhận được tin nhắn chuyển tiền, cho dù đó là người thân; đừng tiếc một cuộc điện thoại, bạn hãy gọi điện nói chuyện trực tiếp để xác nhận có việc vay tiền hay không, tránh bị “tiền mất tật mang””.
Thông tin với Người Đưa Tin, ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, tình trạng khách hàng bị lừa đảo thực hiện chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng ngày càng gia tăng.
Đơn cử như: Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ. Sau đó, chúng thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến). Trường hợp khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng thì có thể gây rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.
Hay, kẻ gian dùng thủ đoạn chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn Internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... Với thủ đoạn này, tội phạm lừa đảo khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lập website mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng….
Không thiếu gì cách lừa đảo, chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác thì bất kỳ ai trong số chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân.
Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi nêu trên, ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động nắm bắt, cập nhật các phương thức, thủ đoạn tội phạm nêu trên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn; kịp thời cảnh báo rủi ro tới khách hàng trên các kênh thông tin…
Cần xử lý nghiêm kẻ phạm tội
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Đặng Xuân Cường - Công ty Luật TAT Law firm cho biết, trong những năm gần đây, các vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã tăng lên về số lượng và diễn biến hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm, phức tạp ảnh hưởng rất lớn để sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Theo phân tích của luật sư: Căn cứ vào diễn biến hành vi của loại tội phạm này, kẻ xấu đã dùng thủ đoạn gian dối, thể hiện bằng những hành vi cụ thể như lời nói, hành động, cung cấp thông tin không đúng sự thật nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản làm cho họ tin tưởng và giao tài sản của mình cho người phạm tội. Hành vi của những đối tượng này có dấu hiệu rõ ràng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015; với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường khuyến cáo: "Mọi người hãy nâng cao cảnh giác các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Tuyệt đối không bấm vào các đường link đó, đồng thời xóa ngay các tin nhắn, email lạ này khỏi điện thoại, máy tính.
Để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của những chiêu trò lừa đảo, mọi người tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, cận cảnh khuôn mặt, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, bộ Y tế, nhân viên ngân hàng...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội.
Với bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến lừa đảo trực tuyến, mọi người cần báo ngay cho công an, cơ quan có thẩm quyền để được tư vấn, giải quyết".