vĐồng tin tức tài chính 365

Cô gái người Giáy làm tour du lịch Sapa 50.000 đồng giữa ngày dịch

2021-09-07 14:03

Khi những ruộng bậc thang ngả từ màu xanh sang màu vàng trên thung lũng Mường Hoa của thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, cũng là lúc báo hiệu một ngày Tết đặc biệt quan trọng trong tháng 7 âm của đồng bào dân tộc Giáy nơi đây. Đó là ngày Tết 14/7 Âm lịch mà người Giáy vẫn gọi là "Siêng Sắt" có nghĩa là Tết Bảy - ngày Tết lớn nhất của người Giáy và được coi là ngày Tết của những người đã khuất.

Vào ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp lại và quây quần bên mâm cơm truyền thống. Ngoài ra, trong ngày Tết được dành riêng để tưởng nhớ người âm, người Giáy còn làm món Bánh Rợm là một loại bánh truyền thống của đồng bào nơi đây.

Vũ Thị Ngọc Hướng – một bạn trẻ người dân tộc Giáy, sinh năm 1999, đau đáu với những giá trị văn hóa dân tộc Giáy của mình dần mai một, lại thêm những ngày dịch bệnh vắng bóng du khách, đã quyết định mở tour du lịch online hàng tuần với giá chỉ 50.000 đồng để giới thiệu về một Sapa thật khác lạ.

Tour du lịch trải nghiệm Sapa 50.000 đồng

NGHI LỄ CÚNG VÀO NGÀY CÁNH CỬA ÂM ĐƯỢC MỞ RA

Đúng chiều ngày 14/7 âm lịch, sau khi đã đăng ký tham gia, tôi được trải nghiệm một tour du lịch online, tương tác trực tiếp với cô gái dân tộc Giáy xinh đẹp chỉ với 50.000 đồng nhưng học được rất nhiều bài học về văn hóa.

Khi kết nối zoom để được trải nghiệm vào tour du lịch này tôi khá ấn tượng với hình ảnh Ngọc Hướng trong trang phục truyền thống của người Giáy và trên đầu đội chiếc khăn vuông dệt bằng bông. Trang phục của những cô gái Giáy đơn giản với áo từ vải lụa, thô, trang trí viền hoa văn kết hợp cùng chiếc quần lụa đen hài hòa và một đôi giày xinh xắn tự khâu. Trong bộ trang phục truyền thống gọn gàng, cô gái dân tộc Giáy năng động đưa những vị khách online bắt đầu khám phá ngày Tết truyền thống đặc biệt này.

Nếu như người Kinh thực hiện nghi lễ tưởng nhớ Tổ tiên từ ngày đầu tháng 7 âm lịch tới ngày 15/7 âm lịch thì người Giáy chỉ dành 2 ngày 14/7 và 15/7 âm lịch để tưởng nhớ, sau đó sẽ là các hoạt động chơi Tết.

Theo như lời của Ngọc Hướng, người Giáy sẽ thực hiện nghi lễ cúng bởi họ quan niệm vào ngày này, cánh cửa âm sẽ được mở ra, khi đó, Tổ tiên của họ ở thế giới bên kia được giải thoát. Trong ngày lễ này, dù bận rộn công việc đến mấy, những người con dân tộc Giáy xa quê sẽ thu xếp trở về quây quần bên gia đình bày tỏ lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ, cũng như thực hiện lễ cúng tưởng nhớ Tổ tiên, người đã khuất.

Trên con đường dẫn những vị khách trải nghiệm văn hóa online, Ngọc Hướng đưa chúng tôi tới nhà bà ngoại. Trong ngôi nhà truyền thống của người Giáy, Hướng giới thiệu bà đang gấp những chiếc thuyền để dành tặng thế giới người âm bên kia có phương tiện đi lại.  Khác với người Kinh, người Giáy không mua vàng mã, hay quần áo bán sẵn ở chợ mà sẽ tự tay cắt những trang phục truyền thống của người Giáy để trong ngày Tết âm này, Tổ tiên, người đã khuất cũng có trang phục mới để diện Tết của người âm.

 Cô gái người Giáy làm tour du lịch Sapa 50.000 đồng giữa ngày dịch - Ảnh 2.

Người Giáy tự may quần áo vàng mã cho người âm

Không chỉ tự tay cắt những trang phục truyền thống để "biếu" người âm, người Giáy cũng tự chuẩn bị những khổ giấy lớn để "biếu" người âm tượng trưng cho những thước vải để người đã khuất tự may quần áo theo ý thích. Từng chi tiết, từng bộ quần áo hay cái túi đều được người Giáy nâng niu, cắt dán thật tỉ mỉ sao cho đẹp nhất. Những bộ trang phục này sẽ được đốt sau khi cúng mời tổ tiên ăn Tết vào ngày 14 với hy vọng ông bà, tổ tiên và những người đã khuất cũng có đồ mới để đón Tết ở thế giới bên kia.

MÂM CÚNG VỚI NHỮNG MÓN ĂN BẮT BUỘC

Chuyển camera về vị trí mâm cúng, Hướng chia sẻ: "Mâm cúng của người Giáy bắt buộc phải có gà trống, gà mái, thịt lợn, một bát nước và một bát muối. Gà trống và gà mái trước khi cắt tiết phải được rửa mặt, rửa chân để tỏ lòng thành kính với ông bà Tổ tiên. Bát nước, bát muối như vật kết nối âm dương, báo hiệu cho Tổ tiên được biết năm nay gia đình làm ăn thuận lợi có đầy đủ nông sản dâng cúng, mời Tổ tiên về thưởng thức cũng như để cảm tạ một năm mưa thuận gió hòa, gia đình ấm êm".

Phần lớn các gia đình đều sẽ tự chuẩn bị mâm cúng, tuỳ từng nhà, họ sẽ có những món ăn bắt buộc trong mâm cơm cúng khác nhau. Nhưng có một điều đặc biệt đó là không thể thiếu bát muối và bát nước trên bàn cúng bởi vì người Giáy tin rằng cần có 2 bát này để có thể báo cáo với tổ tiên và mời họ về ăn Tết được.

Vào ngày lễ này, người Giáy sẽ làm món bánh truyền thống dâng cúng Tổ tiên đó là món bánh Rợm. Với người Giáy, nếp nương là thứ ngọc thực vô cùng quý giá mẹ Thiên nhiên ban tặng. Sau mỗi mùa lúa chín, người Giáy sẽ tuyển chọn hạt nếp nương chất lượng để dành làm các loại bánh dâng cúng Tổ tiên, trong đó có món bánh Rợm.

Theo chia sẻ của Ngọc Hướng, bánh Rợm có nhân là đường hoặc đỗ xanh. Màu của bánh Rợm có thể được nhuộm bằng nước từ lá mơ rừng để bánh có màu xanh đen đặc biệt và thơm mùi lá mơ. Bánh được nấu trên những bếp lửa hồng như thức cúng thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên với con người.

Trước đây, người Giáy sẽ làm 3 mâm cúng, 1 mâm cúng thần Cửa, 1 mâm cúng Tổ tiên, 1 mâm cúng Thổ địa. Tuy nhiên, ngày nay, tùy từng cách thức, mỗi gia đình tổ chức mâm cúng khác nhau đều với ý nghĩa để tưởng nhớ Tổ tiên, cầu cho đời sống đồng bào Giáy được ấm no.

 Cô gái người Giáy làm tour du lịch Sapa 50.000 đồng giữa ngày dịch - Ảnh 3.

Phần lớn các gia đình đều sẽ tự chuẩn bị mâm cúng, tuỳ từng nhà, họ sẽ có những món ăn bắt buộc trong mâm cơm cúng khác nhau

CHƠI TẾT ÂM

Ngọc Hướng chia sẻ với chúng tôi người Giáy sẽ dành riêng ngày 15/7 để chơi Tết âm. Ngoài phần lễ, người Giáy còn có phần hội. Hướng chia sẻ: "Sau bữa ăn Rằm, người Giáy cũng đi chơi Tết, đặc biệt là dành cả ngày 15 để chơi Tết, ngày này sẽ kiêng không được cầm dao, kéo… Và có một số họ tộc người Giáy, sau bữa cơm cúng ngày 14/7 thì ngày hôm sau sẽ phải ăn chay, không ăn thịt.

Trong dịp Rằm tháng 7, người Giáy có tổ chức một trò chơi vào tối 13,14,15. Tuy nhiên, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên đồng bào dân tộc Giáy không tổ chức. Trò chơi này của người Giáy có tên gọi là "chỉnh choi". Trò này thường được tổ chức vào buổi tối bởi khi đó sẽ có người đọc các câu thần chú để mời ma ở trên mặt trăng xuống nhập vào một loại giỏ giống lồng đựng bánh cưới người Giáy đan bằng tre, vầu… (hơi giống lồng gà). Và cái giỏ đó có thể tự động nhảy lên như có người cầm hai bên vậy.

Khi đó, mọi người có thể đặt ra các câu hỏi mà mình muốn biết, con ma đó sẽ giải đáp bằng số lần gõ xuống mặt đất. Ngày nay thì còn ít người có thể niệm thần chú để mời ma về, tuy nhiên, người Giáy vẫn tổ chức hàng năm để vui chơi. Đặc biệt là các trai thanh, nữ tú sẽ đến đó và mượn cớ để hỏi người mình thích và tỏ tình".

Sau mỗi buổi trải nghiệm online như thế này, Hướng sẽ tương tác, trả lời câu hỏi của những vị khách online về nguồn gốc, trang phục, văn hóa của người Giáy. Hướng chia sẻ: "Theo các nhà nghiên cứu, người Giáy di cư vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Đồng bào Giáy có nghề truyền thống là trồng lúa nước. Ngoài ra còn làm nương, khai thác lâm thổ sản và chăn nuôi.

Đồng bào Giáy ở ngôi nhà truyền thống là nhà sàn nhưng hiện nay có một số gia đình ở nhà đất. Phía trước nhà người Giáy thường dựng một sàn phơi. Gian giữa của ngôi nhà là nơi trang nghiêm đặt bàn thờ. Trên bàn thờ có nhiều bát hương thờ: trời, đất, tổ tiên, vua bếp, thổ thần… Trong buồng cữ lập một bàn thờ Mụ, khi con được đầy tháng mới làm lễ báo tổ tiên và đặt tên cho con. Người Giáy hiện có khoảng 70.000 người, tập trung ở các tỉnh phía Bắc, trong đó tỉnh Lào Cai có trên 50% người Giáy sinh sống. Tuy nhiên, chỉ ở xã Tả Van của thị xã Sapa có người Giáy sinh sống".

Gương mặt xinh xắn, phong cách nói chuyện dễ thương, dù chỉ mới thực hiện tour online nhưng Ngọc Hướng đã nhận được sự quan tâm từ rất nhiều du khách ưa thích trải nghiệm, khám phá. Mỗi lần mở tour, Hướng thu hút được gần 20 du khách tham dự. Trong tour online tới đây, Ngọc Hướng sẽ cùng du khách trải nghiệm mùa gặt ở trên những ruộng bậc thang xinh đẹp tại thung lũng Mường Hoa. Bên cạnh việc mở tour online, Hướng cũng thường xuyên tương tác với mọi người thông qua kênh youtube "Hướng Giáy Sapa" và trang facebook cá nhân để có thể giới thiệu với nhiều người hơn về văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc Giáy – nơi gặp gỡ đất trời Sapa.

Ngọc Mai

DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ

Xem thêm: nhc.41874004170901202-hcid-yagn-auig-gnod-00005-apas-hcil-ud-ruot-mal-yaig-iougn-iag-oc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cô gái người Giáy làm tour du lịch Sapa 50.000 đồng giữa ngày dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools