vĐồng tin tức tài chính 365

Chiến lược kiềng ba chân: Giải mã việc Masan nhận lại chuỗi VinMart từ Vingroup và bắt tay cùng Alibaba

2021-09-07 15:13

Đại gia nội bắt tay đại gia ngoại

Hồi giữa tháng 5, giới kinh doanh và đầu tư Việt Nam sôi nổi thảo luận về thương vụ hợp tác giữa tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư ngoại gồm có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA). Theo đó nhóm này đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. Định giá The CrownX sau phát hành là gần 7,3 tỷ USD.

Cần nhắc lại rằng The CrownX được thành lập ngày 30/6/2020, nửa năm sau khi Masan nhận chuyển giao VinCommerce từ Vingroup vào tháng 12/2019. Đây là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce (VCM).

Chia sẻ trên kênh Youtube Tài chính & Kinh doanh, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long đánh giá cấu trúc của The CrownX khá phức tạp bao gồm sự hiện diện của Vingroup, Masan, tập đoàn Alibaba thông qua BPEA.

Masan thông qua công ty Sherpa đang sở hữu 66,13% The CrownX. Cuối năm 2019 trong thương vụ chuyển giao Vincommerce, Vingroup đã hoán đổi phần vốn VCH thành 30% cổ phần tại The CrownX. Sau đó Vingroup thoái một phần vốn. Phía Masan về sau trực tiếp sở hữu 13,83% cổ phần tại The CrownX. Lượng cổ phần này được định giá lên tới 1 tỷ USD.

The CrownX đang nắm 83,74% cổ phần của VinCommerce, còn lại là của Vingroup. Công ty này cũng sở hữu 85,71% cổ phần tại Masan Consumer.

(BI) Kiềng ba chân: Giải mã tầm nhìn chiến lược phía sau việc Masan nhận lại chuỗi Vinmart từ Vingroup, nhanh nhẹn bắt tay cùng Alibaba - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO công ty AFA Capital đánh giá về tổng quan hệ sinh thái này đang định hình rõ một số nhánh nổi bật gồm: Sản xuất hàng tiêu dùng, kênh phân phối thông qua hệ thống siêu thị bán lẻ Vinmart (offline). Nhánh trực tuyến đang manh nha hình thành khi Alibaba đầu tư vào và VinID nhận được sự hỗ trợ của tập đoàn này.

Chuyên gia Phan Lê Thành Long cho rằng việc đầu tư của tập đoàn Alibaba vào The CrownX là thương vụ mang tính chiến lược. Ông cho rằng khoản 400 triệu USD này chỉ là điểm khởi đầu và có thể có những hợp tác sâu rộng hơn ở những vòng vốn đầu tư tiếp theo.

Tầm nhìn Point of Life và chiến lược kiềng 3 chân

Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group từng nhấn mạnh: "Thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng "tất cả trong một" phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Tôi tin tưởng quan hệ hợp tác này sẽ giúp công ty hiện thực hóa Point of Life nhanh chóng và hiệu quả hơn".

Các chuyên gia từ AFA Capital giải thích rõ hơn mục tiêu Point of Life của Masan là có thể kiểm soát được hệ thống tiêu dùng dành cho cuộc sống của thị trường 96 triệu dân đang có mức tăng trưởng thu nhập rất tốt tại Việt Nam.

Nhìn lại thời điểm khi Masan nhận hệ thống VinMart từ Vingroup kết hợp với Masan Consumer, giá cổ phiếu Masan xuống rất thấp, thậm chí dưới 50.000 đồng. Nhiều người đặt nghi vấn Masan làm cách nào để hết lỗ khi tham gia vào thị trường bán lẻ. Nhưng chuyên gia Long Phan cho rằng tầm nhìn của tập đoàn này không phải lỗ hay không lỗ mà quan trọng là xây dựng một hệ sinh thái hợp lý và cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Câu chuyện này không thuần túy chỉ xoanh quanh bán lẻ, bán hàng tiêu dùng.

(BI) Kiềng ba chân: Giải mã tầm nhìn chiến lược phía sau việc Masan nhận lại chuỗi Vinmart từ Vingroup, nhanh nhẹn bắt tay cùng Alibaba - Ảnh 2.

Chuyên gia tài chính này nhận định mô hình bán lẻ trong tương lai phải kết hợp 3 thứ: Bán lẻ (hệ thống kết hợp Online to Offline), hệ thống công nghệ và am hiểu người dùng, các sản phẩm tài chính kèm theo. Đây mới là câu chuyện tổng thể mấu chốt.

Tập đoàn Alibaba là ví dụ trực quan rõ ràng nhất cho hình mẫu này. Alibaba xuất phát từ doanh nghiệp bán hàng trực tuyến do đó sở hữu một lượng người tiêu dùng cực lớn. Nhưng công ty sinh lợi lớn nhất trong tập đoàn này không phải một công ty không bán hàng mà là Ant Financial.

Ant Financial là công ty bán sản phẩm tài chính với điểm xuất phát là một dự án phụ để trám một lỗ hổng trong ngành mua sắm trực tuyến sơ khai ở Trung Quốc. Thời điểm năm 2004, rất ít người có thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng, và những người mua, người bán qua nền tảng thương mại điện tử của Alibaba cần một phương thức đáng tin cậy để xử lý các giao dịch.

Jack Ma giao cho đội ngũ tài chính của Alibaba tạo ra Alipay để đảm nhận vai trò của một bên thứ ba đáng tin cậy, giữ tiền của người mua và chỉ trả tiền cho người bán sau khi người mua nhận hàng và xác nhận họ hài lòng với thứ mà họ nhận.

Về sau, Alipay cũng kết nối hàng tỷ người với vô số dịch vụ. Người dùng Alipay có thể tìm và chọn các sản phẩm bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, nhận khoản vay, trả lương cho người lao động và đầu tư vào thị trường tài chính. Ví điện tử này được ví như một siêu thị tài chính.

Và khi các sản phẩm tài chính được tích hợp vào hệ thống bán lẻ khổng lồ của Alibaba sẽ sinh ra lợi nhuận. Ant Financial hiện kiểm soát khoảng 55% thị trường thanh toán di động của Trung Quốc. Công ty này từng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 30 tỷ USD.

Với kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc, Alibaba sẽ cùng Masan áp dụng ra sao vào chuỗi bán lẻ offline rộng lớn nhất Việt Nam hiện nay?

Theo ông Long, bước thứ nhất là xây dựng hệ thống Online to Offline. Trong khuôn khổ giao dịch giữa 2 bên, VinCommerce sẽ thiết lập Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. VCM sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Cụ thể:

- Hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử.

- Phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của VCM.

- Phát huy sức mạnh hiệp lực từ nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Trước đây Vingroup từng bỏ công sức xây dựng kênh thương mại điện tử Adayroi để phát triển mảng online tuy nhiên không thành công. Với việc bắt tay cùng Alibaba, Masan dễ dàng có được mảng trực tuyến mà không cần tự xây dựng.

(BI) Kiềng ba chân: Giải mã tầm nhìn chiến lược phía sau việc Masan nhận lại chuỗi Vinmart từ Vingroup, nhanh nhẹn bắt tay cùng Alibaba - Ảnh 3.

Nhân viên Techcombank tư vấn khách hàng mua sắm ở VCLife. Ảnh: Công an nhân dân.

Bước thứ 2 theo ông Long nhận định là ứng dụng công nghệ. Hệ thống có thể kết hợp vào đây là VinID. VinID hiện thuộc One Mount Group do Vingroup kiểm soát nhưng tương lai sẽ có khả năng tham gia của một đối tác tài chính. Đây chính là mảnh ghép cuối cùng.

Bước thứ 3 được ông Long dự đoán là tích hợp các sản phẩm tài chính. Theo ông Long, trong tương lai dài hạn cần nhìn nhận sự tham gia của ngân hàng và đặc biệt là vai trò của Techcombank. Thực tế Masan và Techcombank đã bắt đầu hợp tác.

Hồi tháng 4/2021, ông Danny Le cho biết, đến năm 2025 nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng. Ngày 8/6 mới đây, Techcombank và Masan ra mắt mô hình giao dịch một điểm đến đa tiện ích – CVLife (Convenient Life) thí điểm tại Hà Nội. Khi khách hàng đến giao dịch tại các điểm mua sắm của Vinmart có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ ngân hàng của Techcombank.

Các chuyên gia đánh giá nếu hệ sinh thái này phát triển hoàn thiện, người tiêu dùng là người được hưởng lợi. Theo đó khi họ mua một sản phẩm trong gói kết hợp do hệ sinh thái này tạo ra thì sẽ có giá trị gia tăng lớn hơn, đồng thời chi phí giảm xuống.

Ví dụ hiện nay khi người tiêu dùng mua điện thoại tại những chuỗi điện máy sẽ được giảm giá nếu mua trả góp qua một ngân hàng và thanh toán bằng thẻ tín dụng của ngân hàng này. Trong tương lai họ có thể mua một sản phẩm, thanh toán bằng số điểm tích lũy trong VinID, trả góp sản phẩm này thông qua sản phẩm tài chính của Techcombank, có điểm đóng góp trong chuỗi sản phẩm dịch vụ hệ sinh thái thì giá của họ sẽ thấp hơn rất nhiều.

Thảo Nguyên

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.96740651170901202-ababila-gnuc-yat-tab-av-puorgniv-ut-tramniv-iouhc-ial-nahn-nasam-ceiv-uas-aihp-coul-neihc-nihn-mat-nahc-ab-gneik-coul-neihc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chiến lược kiềng ba chân: Giải mã việc Masan nhận lại chuỗi VinMart từ Vingroup và bắt tay cùng Alibaba”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools