Tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho của Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Như vậy Hàn Quốc là quốc gia thứ 8 trên thế giới sở hữu SLBM, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, và là nước đầu tiên không có vũ khí hạt nhân nhưng lại sở hữu SLBM.
Ngày 7-9, Hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin cho biết Cơ quan Phát triển quốc phòng (ADD) Hàn Quốc đã phóng thử SLBM dưới nước từ tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho vào tuần trước, không lâu sau khi thực hiện phóng thử thành công từ một sà lan vào tháng 7-2021.
Dosan Ahn Chang-ho cũng là tàu ngầm nội địa của Hàn Quốc được hạ thủy từ tháng 9-2018, có khả năng phóng tên lửa đạn đạo với 6 ống phóng thẳng đứng.
Loại SLBM thử nghiệm, có tên mã là Hyunmoo 4-4, có thể là một phiên bản của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B do Hàn Quốc sản xuất, có tầm bay khoảng 500km và được trang bị đầu đạn thông thường.
Sau một vòng thử nghiệm bổ sung, SLBM sẽ được sản xuất hàng loạt để triển khai cho lực lượng quân đội Hàn Quốc.
Không giống như tên lửa đất đối không thông thường, SLBM được ví như loại vũ khí "thay đổi cuộc chơi" vì nó khó bị phát hiện hơn khi được phóng từ tàu ngầm để thực hiện đòn tấn công bất ngờ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng không thể xác nhận thông tin này vì lý do an ninh. "Quân đội của chúng tôi đảm bảo các vũ khí quân sự hỏa lực mạnh để giữ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bằng việc xây dựng năng lực quân sự mạnh mẽ và các kế hoạch tiếp tục phát triển số vũ khí này" - cơ quan này cho biết.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch 2022-2026, trong đó kêu gọi phát triển các loại tên lửa mới với "sức mạnh hủy diệt được tăng cường đáng kể", nâng cấp những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như triển khai các thiết bị đánh chặn mới chống pháo tầm xa.
TTO - Hãng thống tấn Yonhap đưa tin Hàn Quốc đang trong giai đoạn cuối phát triển một loại tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn nặng tới 3 tấn, nhằm tăng cường khả năng quân sự trước Triều Tiên.