Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… đang rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của TPHCM để có thể phục hồi lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tình cảnh chung
Kể từ khi TPHCM thực hiện giãn cách, bà P.T.H - chủ một doanh nghiệp về dịch vụ giáo dục trên địa bàn quận Phú Nhuận - đứng ngồi không yên bởi các hoạt động gần như “đóng băng”.
Bà H chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cho việc xin cấp phép được hoạt động một loại hình dịch vụ giáo dục. Vì hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nên thủ tục, thẩm định rất khó khăn, chặt chẽ. Hồ sơ chúng tôi chuẩn bị từ tháng 10.2020 đến nay đã gần 1 năm nhưng liên tiếp vướng dịch bệnh nên bị trì hoãn. Hiện còn công đoạn cuối cùng là đoàn thẩm tra đến thẩm tra trực tiếp và cấp giấy phép hoạt động.
Trong khi đó, mỗi tháng chúng tôi vẫn phải chi hơn 300 triệu đồng cho thuê trụ sở, trả lương nhân viên, thuê trang thiết bị, vốn vay ngân hàng… chưa kể, rất nhiều chi phí phát sinh khác. Trong khi đó, chúng tôi chưa có bất kể một nguồn thu nào cả. Thực sự nếu dịch còn kéo dài, doanh nghiệp chưa thể hoạt động thì tôi không biết còn có thể trụ vững được đến khi nào” - bà H bày tỏ.
Tình cảnh của bà H cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể khác. Nhiều đơn vị cũng đã mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ của TPHCM để có thể phục hồi lại được hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
3 cái khó
Trả lời tại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn không chỉ với chủ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh mà trong đó còn có một bộ phận lao động.
Ông Mãi cho rằng, có 3 cái khó. Thứ nhất là vốn, nếu vay ngân hàng thì lãi suất thế nào. Ông cho biết, vừa rồi, TPHCM có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về gói chính sách như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay và đề nghị có cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, người vay để biết khó khăn, lắng nghe đề xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, ngân hàng có thể có quyết định khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, cho doanh nghiệp vay gói mới để có thể phục hồi, tiếp tục kinh doanh…
Đồng thời, TPHCM cũng chủ động có những chương trình hỗ trợ lãi suất, ví dụ như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để hỗ trợ một phần khó khăn về nguồn vốn.
Khó khăn thứ hai của doanh nghiệp là lao động, những người đã về quê thì không quay trở lại được cho đến khi tình hình dịch được cải thiện. Thành phố đang phối hợp với địa phương để giải quyết việc này, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho lao động để có nguồn lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba là việc thuê mặt bằng, thành phố sẽ có gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Trong kế hoạch phục hồi kinh tế của thành phố có một phần về chính sách. Chính sách nào của thành phố và chính sách nào thành phố đề nghị với Trung ương. Khi xây dựng, hoàn thiện, chúng tôi sẽ thông báo. Trong quá trình xây dựng, thành phố sẽ trao đổi với các hiệp hội, lắng nghe các doanh nghiệp để hình thành chính sách cho sát” - ông Mãi nói và cho hay sẽ cố gắng công bố trước ngày 15.9.
Ông Mãi nhấn mạnh, muốn hoạt động phát triển kinh tế sớm trở lại thì điều quan trọng là cần phải kiểm soát được dịch bệnh, tập trung xét nghiệm, vaccine, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho mở cửa như về nhà xưởng, lao động, nguồn nguyên liệu… chứ không thể nói mở cửa là ngay lập tức hoạt động lại được ngay. Thành phố cũng đang tính toán các lĩnh vực, địa phương có thể mở được để sớm thông báo cho doanh nghiệp chuẩn bị.