Liên quan đến việc Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, chiều 7-9 Bộ GTVT cho biết tại cuộc họp ban chỉ đạo điều chỉnh giá diễn ra ngày 13-8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp.
Hiện Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án về bộ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn nên quan điểm của bộ là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học.
Đặc biệt, các cơ quan phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, tác động đến thị trường và người dân cũng như quyền lợi của nhà nước và doanh nghiệp.
Cục Hàng không đề nghị áp dụng áp giá sàn, mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định
Song song đó, Bộ GTVT cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo.
Chính vì vậy, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau. Trong đó có đánh giá tác động cụ thể, tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.
Như PLO đã đưa tin, mới đây Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT áp giá sàn vé máy bay tối thiểu 320.000 đồng/vé. Thời gian thực hiện chính sách là 12 tháng (từ 1-11-2021 hết ngày 31-12-2022).
Nếu được thông qua, hành khách không còn được sở hữu giá vé 0 đồng như hiện nay.
Theo quan điểm của Cục Hàng không, chính sách này áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Việc áp giá sàn này được hãng Vietnam Airlines nhiều lần đề xuất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc áp giá sàn là triệt tiêu tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, gây phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và quay lại thời kỳ bảo hộ.